Ông Hoàng Bình Quân trả lời phỏng vấn hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, đã thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 11-15/10.

Kết thúc chuyến thăm, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm.

    Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

– Là Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là thành viên chính thức trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, xin ông cho biết ý nghĩa của chuyến thăm?

Ông Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm nay của Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai Đảng, hai nước có nhiều sự kiện trọng đại.

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XI và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp, bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Đối với đất nước Trung Hoa, năm nay đánh dấu 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm đầu tiên triển khai Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 và chuẩn bị Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt, năm nay là năm đánh dấu 20 năm phát triển quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa và đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, sau Đại hội Đảng toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm các nước láng giềng và bạn bè truyền thống. Đồng thời, chuyến thăm thể hiện Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc anh em.

Chuyến thăm là dịp đánh giá lại những thành tựu trong quan hệ giữa hai nước 20 năm qua, trên cơ sở đó, bàn các phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Hai bên có điều kiện trao đổi sâu sắc tình hình, những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, củng cố và tăng cường lòng tin, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.

Có thể nói, chuyến thăm là dấu mốc, là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước; đồng thời có ảnh hưởng tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

– Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm?

Ông Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp. Hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 8 điểm thể hiện những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về quan hệ hai Đảng, hai nước và những định hướng lớn để phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.

Xin điểm một số kết quả cụ thể, chủ yếu sau: thứ nhất, Tổng Bí thư và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hội đàm, hội kiến sâu rộng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và các ông lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Hai bên đều khẳng định truyền thống và tầm quan trọng của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Hai bên cùng nhìn lại những thành tựu to lớn đã đạt được trong quá trình phát triển quan hệ hai nước 61 năm qua, đặc biệt là 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ và nhất trí cho rằng, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Hai bên nhấn mạnh tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau là kinh nghiệm quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh. Đồng thời, hai bên cũng khẳng định quan hệ hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau.

Bên cạnh những nhận thức chung đã có, có thể nói đây là một bước mở rộng nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thể hiện nỗ lực của cả hai bên trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt-Trung, phát huy tích cực những điểm tương đồng, đồng thời tích cực giải quyết những tồn tại, đảm bảo hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo cùng phát triển nhanh, bền vững, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sức sống của chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, hai bên đã bàn và thống nhất các phương hướng và nội dung, biện pháp toàn diện, cụ thể và thiết thực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Theo đó, hai bên duy trì truyền thống tốt đẹp các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của Ủy ban hợp tác song phương Việt-Trung trong việc đi sâu hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ song phương, đẩy mạnh hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực đạt thành quả phong phú hơn nữa.

Hai bên cũng đã bàn và thống nhất thắt chặt giao lưu giữa hai Đảng, thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015;” đi sâu hợp tác giữa quân đội hai nước, hợp tác trong các lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh, tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp.

Hai bên sẽ tăng cường và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc,” tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, khoáng sản, năng lượng, du lịch…, thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác lâu dài với công nghệ tiên tiến và đảm bảo tiến độ; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, y tế, thể thao, báo chí…

Đồng thời, hai bên tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân, mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, các địa phương, nhất là các tỉnh giáp biên giới hai nước.

Thứ ba, hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành và thẳng thắn về các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, trong đó có vấn đề trên biển Đông, vấn đề bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, vấn đề ngư dân, lập đường dây nóng liên lạc giữa cơ quan ngư nghiệp hai nước; thống nhất các nhận thức chung để giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình các vấn đề trên biển.

Thứ tư, trong chuyến thăm, hai bên đã ký 6 văn kiện quan trọng, trong đó có hợp tác giữa hai Đảng trong 5 năm tới, thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước, quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại, các thỏa thuận trao đổi giáo dục, nghị định thư về vận tải ôtô. Hai bên đã chính thức khai thông đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thứ năm, Tổng Bí thư và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm một số địa phương tại tỉnh Quảng Đông, đặc biệt là thành phố Thâm Quyến, một trong những thành phố phát triển nhanh và là biểu tượng cho sự thành công của công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc, qua đó tìm hiểu và nắm bắt thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế-xã hội.

– Xin ông cho biết các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Ông Hoàng Bình Quân: Để triển khai nhận thức chung và các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt những việc sau: Một là, tiếp tục tổ chức các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, các ngành để thống nhất triển khai và cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao; tăng cường trao đổi chiến lược, đồng thời bàn biện pháp cụ thể không ngừng thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Hai là, triển khai Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng, Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước; tích cực thúc đẩy các dự án hợp tác hiện có, đồng thời triển khai các dự án mới, đẩy nhanh khởi công các công trình và phát huy tối đa các cơ chế hợp tác song phương.

Ba là, các bộ, ngành chủ động thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành của Trung Quốc, thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký kết, tạo các bước chuyển mạnh mẽ và thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

Bốn là, các địa phương, nhất là địa phương có biên giới với Trung Quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân chủ động tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác với các địa phương, đoàn thể và tổ chức nhân dân Trung Quốc nhằm tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý báo chí để các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Sáu là, tiếp tục triển khai giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước trên cơ sở các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước và “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển của hai nước Việt Nam, Trung Quốc, góp phần vào hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

(TTXVN)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh làm việc với Đảng ủy ngoài nước

Chiều 23/5, phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ ngoài nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực cố gắng của các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ đảng viên ở ngoài nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập quốc tế. 

Ông Đinh Thế Huynh làm việc với Đảng ủy ngoài nước. (Ảnh: Doãn Tấn)

Về những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mau lẹ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên, công tác vận động tập hợp quần chúng ở ngoài nước càng phải được coi trọng hơn.

Đảng bộ ngoài nước cần làm tốt việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI theo tinh thần Chỉ thị số 01 của Bộ Chính trị, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị.

Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Ban chấp hành Đảng bộ ngoài nước, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, điều kiện đặc thù trong công tác Đảng ngoài nước, ông Đinh Thế Huynh lưu ý, Đảng bộ ngoài nước cần có cách thức phù hợp, hiệu quả trong việc quán triệt nội dung các văn kiện Đại hội XI của Đảng, để đông đảo cán bộ đảng viên, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, cũng như bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Đảng Cộng sản Việt Nam, về sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, qua đó tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong cán bộ đảng viên, đồng bào ở nước ngoài, sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và nhân dân đã đặt ra trong 5 năm, 10 năm, 20 năm tới…

Việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục ở tất cả các tổ chức cơ sở Đảng và đồng bào ở ngoài nước, góp phần đẩy lùi tình trạng suy giảm đạo đức lối sống, động viên cán bộ, đảng viên ở ngoài nước thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy ngoài nước Trương Mạnh Sơn đã báo cáo một số nét về tình hình tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng người Việt Nam ở ngoài nước; kiểm điểm kết quả công tác tuyên giáo của Đảng ủy ngoài nước, những việc đã làm được, những việc chưa làm được sau 2 năm triển khai thực hiện Thông báo số 238-TB/BTGTW; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể nhằm triển khai thực hiện tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, sớm tổng kết Nghị quyết 38/NQ-TW của Bộ Chính trị về tổ chức Đảng ngoài nước.

Theo báo cáo, tình hình cán bộ, đảng viên và quần chúng người Việt Nam ở ngoài nước ngày càng tăng về số lượng, phong phú đa dạng về thành phần, đặt ra những yêu cầu mới cả về mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, vận động tập hợp kiều bào.

Đại bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài đều hòa nhập tốt ở nước sở tại và luôn đoàn kết, hướng về quê hương đất nước./.

Nguyễn Thị Sự

(Theo www.nguyensinhhung.com)