Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với tỉnh Hòa Bình về phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 12/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm, làm việc tại tỉnh Hòa Bình, để kiểm tra, nắm tình hình triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 10 tháng năm nay và công tác xây dựng Đảng tại địa phương.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, với 63% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Trong tổng số 210 xã, phường, thị trấn, Hòa Bình có tới 49 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 23 xã vùng lòng hồ sông Đà…

nguyen phu trong hoa binh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với tỉnh Hòa Bình về phát triển kinh tế xã hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Trí Dũng)

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Hòa Bình đã lãnh đạo các Đảng bộ trực thuộc, bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, làm rõ mục tiêu và các giải pháp chủ yếu thực hiện các khâu đột phá chiến lược, những vấn đề trọng yếu đối với sự phát triển của tỉnh, nhất là về: quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển vùng động lực và thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính…

Trong 10 tháng của năm nay, Tỉnh ủy Hòa Bình đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,8%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 49 triệu USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt xấp xỉ 88% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện hơn 1.270 tỷ đồng, đạt hơn 98% dự toán được giao. Tỷ lệ nghèo năm nay ước giảm còn dưới 29%…

Nhằm khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, Hòa Bình đề xuất, kiến nghị với Trung ương sớm có một số cơ chế đặc thù và tăng cường hỗ trợ địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm; phát triển nguồn nhân lực và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hòa Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tỉnh cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, tâm trạng trong dân, niềm tin của dân đối với Đảng, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thích hợp, nhằm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển quê hương, phấn đấu đưa Hòa Bình sớm thoát khỏi tỉnh nghèo.

Tổng Bí thư lưu ý, Hòa Bình không được chủ quan, tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, từ đó cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ sát hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.

Hòa Bình cần nhận thức rõ từ đó phát huy các tiềm năng, thế mạnh, cả về vị trí địa lý, truyền thống yêu nước cách mạng, đặt quyết tâm cao để vươn lên phát triển; tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đồng thời phát huy lợi thế cửa ngõ Thủ đô, đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ.

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, toàn Đảng bộ cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Hòa Bình cần không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Trước hết, tỉnh phải tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, tạo chuyển biến ngay từ khâu cán bộ, nói phải đi đôi với làm, thiết thực và hiệu quả, có như vậy dân mới tin. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, quan liêu hách dịch, xa dân. Việc cải cách hành chính luôn gắn liền với cơ chế chính sách và gắn với con người; cơ chế chính sách muốn chuyển động được trong thực tế thì phải có con người. Bởi vậy, Hòa Bình cần chăm lo hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, đạo tạo cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số.

Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, nắm tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc tại xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thắp hương tại Đài tưởng niệm Trung đội du kích xã Toàn Sơn; thăm và tặng quà hộ gia đình nghèo Xa Văn Nuôi tại xóm Cha, xã Toàn Sơn./.

Nguyễn Thị Sự (Vietnam+)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Sớm đưa Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá

Sáng 29/10, tỉnh Tuyên Quang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 180 năm thành lập (4/11/1831-4/11/2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2) do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá khu vực miền núi phía Bắc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương  Hồ Chí Minh cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự.

Cách đây 180 năm, ngày 4/11/1831, triều đình nhà Nguyễn tiến hành cải cách bộ máy hành chính toàn quốc, chia định địa giới từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Từ đó, ngày 4/11/1831 được chọn là Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang.

Trải qua 180 năm, với tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

9 năm kháng chiến, Tuyên Quang là Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, là nơi được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn tổ chức các sự kiện trọng đại như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa trong cả nước, Quốc dân Đại hội Tân Trào – tiền thân của Quốc hội Việt Nam…

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong giai đoạn phát triển mới, Tuyên Quang cần bám sát tình hình thực tiễn để đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế; phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, cùng cả nước vững bước trong tiến trình CNH-HĐH.

Song Tuyên

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thăm Ngân hàng ĐT và PT Campuchia

Sáng 17/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại thủ đô Phnom Penh. Đây là ngân hàng có 100% vốn của Việt Nam, hoạt động có hiệu quả cao tại Campuchia.

BIDC ra đời năm từ 2009 theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư – thương mại – du lịch hai chiều Việt Nam – Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia - Ảnh: QĐND

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia – Ảnh: QĐND

Theo báo cáo của lãnh đạo BIDV và BIDC, sau 2 năm hoạt động, BIDC đã có tốc độ tăng trưởng cao và an toàn tuyệt đối. Tổng tài sản (tính đến tháng 9/2011) đạt 475 triệu USD, tăng gần 7 lần so với khi thành lập. BIDC đã vươn lên vị trí thứ 5 trong số 35 ngân hàng thương mại tại Campcuhia, cả về quy mô tổng tài sản và dư nợ tín dụng.

Cũng trong sáng 17/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều tại Campuchia.

Chiều 17/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thăm cơ quan đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam tại Campuchia, chào xã giao Thủ tướng Campuchia và tiếp kiến Quốc vương Campuchia.

Lam Bình (Theo Chinhphu)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Huế cần phát huy lợi thế để phát triển bền vững

Ngày 2/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 của tỉnh và thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thu nhập bình quân đầu người cao so với bình quân cả nước và công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả.

Khái quát một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh tập trung rà soát lại quy hoạch để triển khai có hiệu quả Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, đó là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.”

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho sản xuất nông nghiêp, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định giá cả thị trường…Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

Thủ tướng gợi ý, Thừa Thiên Huế cần phát huy lợi thế về du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học để phát triển bền vững. Thủ tướng chỉ đạo Thừa Thiên Huế xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông, đồng thời quan tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến liên quan đến các kiến nghị của Thừa Thiên Huế về bố trí vốn 4 dự án đang thi công dở dang (hồ Tả Trạch, cầu Bạch Hổ, hồ Thủy Yên-Thủy Cam, đường La Sơn-Nam Đông), cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư phát triển đô thị Huế và di tích Cố đô Huế theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị, hỗ trợ trường đại học Huế phát triển đại học quốc tế…Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cùng với Thừa Thiên Huế triển khai có hiệu quả Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Cao cho biết, ngay từ đầu năm 2011, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo rất quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhất là chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thu được nhiều kết quả tích cực.

Tám tháng đầu năm 2011, kinh tế của tỉnh tiếp tục được tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn tăng 22,2% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng 19.8%, xuất khẩu tăng 53,8% giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,45%, khách du lịch quốc tế đế Huế tăng 6,2% …Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Thừa Thiên Huế đã cắt, giãn tiến độ 40 công trình với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Cao, trên cơ sở kết quả 8 tháng đầu năm 2011, phân tích khả năng thực hiện các tháng cuối năm 2011, ước năm 2011 tỉnh có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD, giá trị xuất khẩu đạt 330 triệu USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9,16%, tạo việc làm mới cho 16.500 người, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 44%…

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây, thành phố Huế). Khu Chín Hầm do thực dân Pháp xây dựng năm 1941 để cất giấu vũ khí. Năm 1954, Ngô Đình Cẩn đã cho cải tạo thành hầm ngục giam giữ, tra tấn các chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước. Đây là một kiểu nhà tù đặc biệt, điển hình của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm ở miền Trung.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới kiểm tra Dự án cầu đường bộ Bạch Hổ bắc qua sông Hương thuộc thành phố Huế.

Thiện Thuật

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phật giáo đóng góp tích cực cho phát triển Viêt Nam

Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết kể từ khi du nhập vào Việt Nam cách đây trên 2.000 năm, Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hoá và truyền thống của Việt Nam. 

Đại lễ mừng Phật Đản 2010 -Phật lịch 2554 tại TP.HCM. (Ảnh: Thế Anh)

Những giá trị và nguyên tắc về tình yêu, lòng thương, sự vị tha, phi bạo lực… của đạo Phật đã được tiếp thu và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam và có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đại sứ cũng cho biết với chính sách tự do tôn giáo của nhà nước Việt Nam, trong thời gian qua, Phật giáo đã có những bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam có trên 12 triệu người theo đạo Phật, hơn 40.000 tăng ni với khoảng 15.000 nơi thờ tự và 40 cơ sở đào tạo về Phật giáo. Các hoạt động tôn giáo chính đáng được bảo vệ. Ngày Phật Đản đã được tổ chức hàng năm tại Việt Nam.

Phiên họp ngày 16/5 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được tổ chức đặc biệt kỷ niệm 2.600 năm Đức Phật Thích Ca đắc đạo (Lễ Vesak, hay còn gọi là Lễ Phật đản).

Trong thông điệp nhân ngày Phật đản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thể hiện sự tôn kính đối với những lời dạy của Đức Phật và cho rằng những lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị, là “kim chỉ nam” cho những nỗ lực giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của thế giới hiện.

Trong phiên thảo luận giữa đại diện Phật giáo các nước, Thượng tọa Thích Tâm Đức, Phó hiệu trưởng Viện nghiên cứu Phật giáo và Đại học Phật giáo Việt Nam, cũng có tham luận với chủ đề “Xung đột và Ảo tưởng”./.

PV
Nguồn: VNA

(Theo www.nguyensinhhung.com)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Đẩy nhanh các công trình tạo động lực cho Hà Tĩnh phát triển

Chiều 12/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đi thăm dự án hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, dự án nâng cấp đê La Giang. Tới thăm các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là động lực và thế mạnh để tỉnh phát triển kinh tế xã hội. Đê La Giang là công trình phòng lũ trọng điểm của Hà Tĩnh với chiều dài 19,2km. Dự án đầu tư nâng cấp đê La Giang có tổng mức đầu tư 967 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thăm dự án nâng cấp đê La Giang

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Hà Tĩnh cần coi việc xây dựng, gia cố các công trình thuỷ lợi và đê ngăn lũ là nhiệm vụ trọng yếu. Bởi lẽ, những công trình này liên quan trực tiếp đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, trước tình hình dự án hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Giang đang chậm tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Tĩnh cần xúc tiến hoàn thành các tiểu dự án, đảm bảo thiết kế hợp lý và cần báo cáo trong tháng 6/2011. Bởi lẽ, công trình này có ý nghĩa rất quan trọng, khi hoàn thành sẽ đảm bảo tưới tiêu cho hơn 32 nghìn ha đất nông nghiệp 8 huyện, thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất.

Trước đó chiều 10/5, đến thăm Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Cảng biển nước sâu Formosa, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình của tập thể cán bộ công nhân đang làm việc tại công trường.

Phó Thủ tướng nghe báo cáo tiến độ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu đơn vị thi công phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động, đảm bảo đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần cho hơn 3.000 cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là những công trình trọng điểm có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng chính là động lực và thế mạnh để Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo, trở thành tỉnh công nghiệp – nông nghiệp.

Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất 1.200MW là một trong 16 dự án trọng điểm quốc gia được Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư, xây dựng tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia 8 tỷ KWh/năm. Dự kiến, quý I/2012, tổ máy số 1 của Nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Thu Cúc (theo nguyensinhhung.com)