Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và tư pháp

Ngày 26/10, thảo luận tại Hội trường về công tác phòng chống tội phạm và tư pháp, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc phòng chống tội phạm phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể xã hội chứ không phải của riêng ngành công an hay các cơ quan tư pháp.

Trước đó, chiều 25/10, Quốc hội đã nghe các báo cáo phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo công tác thi hành án và đặc xá và báo cáo thẩm tra các báo cáo trên của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII

Các đại biểu đều cơ bản đồng tình với các báo cáo trên và cho rằng Chính phủ, các cơ quan tư pháp các cấp đã có sự nỗ lực trong việc phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), cử tri hoan nghênh Bộ Công an đã giải quyết nhanh, gọn những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, tạo nên sự tin tưởng của nhân dân đối với lực lượng công an.

Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về tỷ lệ tội phạm có xu hướng tăng (chỉ có tội phạm giết người và mua bán trẻ em là giảm) cả về số lượng và mức độ nguy hiểm, phức tạp. “Điều này đang đặt ra những vấn đề bức xúc về an ninh trật tự”, đại biểu Trịnh Xuyên (Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) nói.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho biết hiện đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như tội phạm công nghệ cao, tội phạm môi trường, nhiều tội phạm sử dụng súng để gây án… Lứa tuổi dưới 18 phạm tội gia tăng, có xu hướng lập băng nhóm để phạm tội rất phức tạp…

Nguyên nhân của việc gia tăng tỷ lệ tội phạm là do công tác phòng ngừa chưa được chú trọng, việc quản lý con người trong các cơ quan, tổ chức xã hội và trong gia đình còn lỏng lẻo, trang thiết bị hỗ trợ phòng chống tội phạm còn thiếu do đầu tư không tương xứng, xử lý còn chưa đủ sức răn đe, phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt…

Từ đó, các đại biểu đề nghị cần tăng cường đầu tư cho lực lượng phòng chống tội phạm về nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ… Đối với lực lượng công an đảm nhận công việc nguy hiểm thì cần có cơ chế hỗ trợ phụ cấp cao hơn hẳn các đơn vị khác để họ yên tâm công tác…

Các đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng nên hoàn thiện pháp luật về xử phạt các vi phạm như tội phạm môi trường, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục phổ biến pháp luật…

Bên cạnh đó, từ số liệu trên 90% các vụ phạm tội do nguyên nhân xã hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng cần nâng cao đạo đức xã hội để hạn chế tội phạm. Đa số các đại biểu cho rằng cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhân dân để phòng, chống tội phạm.

Để huy động nhân dân vào phòng chống tội phạm, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị cần có chính sách bảo vệ người tố giác tội phạm, tăng hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm để làm chỗ dựa cho nhân dân, nghiêm trị người lợi dụng việc khiếu nại tố cáo để kích động, gây rối trật tự xã hội.

Ngoài ra một số đại biểu cho rằng tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, kiềm chế lạm phát cũng sẽ góp phần giảm tỷ lệ tội phạm.

Bàn về công tác đặc xá, các đại biểu cho rằng các cơ quan đã làm tốt việc này. Vừa qua hơn 10.500 phạm nhân được đặc xá đã về địa phương, tìm được việc làm và dần hòa nhập cộng đồng, chỉ có 2 người tái phạm.

Về thi hành án, đặc biệt là thi hành án dân sự vẫn còn tồn đọng nhiều vụ án liên quan đến đất đai, kinh tế, dẫn đến tồn đọng tiền cần xử lý, thu hồi. Đại biểu Trần Xuân Tùng (Hà Nam) cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan công an với các cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án… để hạn chế sai sót trong các quá trình này.

Về công tác xét xử của Tòa án, số vụ án bị Viện kiểm sát kháng nghị chiếm tới 60%. Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) cho rằng ngành Tòa án cần đánh giá nguyên nhân của vấn đề này. “Đó có phải do trình độ thẩm phán và đặc biệt là có tiêu cực hay không?”, đại biểu này nói.

Nhiều đại biểu cũng nhận định trình độ của thẩm phán hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử. Do đó các đại biểu cũng đề nghị tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành tòa án. Tòa án nhân dân tối cao cũng cần được quy định chức năng đào tạo chuyên ngành. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất cho ngành Tòa án, có ưu đãi cho nhân viên gia nhập ngành tư pháp nhất là ở vùng sâu, vùng xa…

Thành Chung

(theo chinhphu)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Làm rõ công tác phòng chống tham nhũng

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng chống tham nhũng.

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong buổi làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 3, chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của Chính phủ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2011 công tác truyền thông, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều văn bản cần thiết, quan trọng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả nhất định, củng cố niềm tin trong nhân dân và dư luận quốc tế. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, tăng cường lực lượng, dần đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tất cả các địa phương, bộ, ngành đều thực hiện kê khai tài sản. Những trường hợp kê khai không trung thực hoặc chậm kê khai được xử lý. Thanh tra Chính phủ cũng xử lý 97 trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm về tham nhũng, trong đó cách chức 14 người.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng, tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đồng tình với báo cáo của Chính phủ khi cho rằng công tác phòng chống tham nhũng đã được triển khai ở mọi mặt, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng chống tham nhũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, củng cố bộ máy thực thi pháp luật; tăng cường thanh tra ở những lĩnh vực quản lý đất đai, việc sử dụng vốn ở các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước,… Qua đó, đã phát hiện hàng chục tỷ đồng tiền đầu tư sai phạm, hàng nghìn ha đất và kiến nghị xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm… Trong năm 2011, tỷ lệ tội phạm nói chung tăng nhưng tội phạm về tham nhũng lại giảm…

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng,  báo cáo chưa nêu cụ thể kết quả xử lý các vụ án về tham nhũng, những địa phương, bộ ngành nào làm tốt và nơi nào chưa làm tốt… Công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng còn chưa có tác động thật mạnh mẽ đến người dân và cán bộ, công chức, viên chức…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng báo cáo cần bổ sung thêm thông tin để làm rõ hơn cả mặt được và chưa được trong công tác phòng chống tham nhũng, từ đó tìm ra nguyên nhân sát thực hơn và đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo trước khi đưa ra tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến tích cực

Đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng Chính phủ đã tăng cường điều hành, chỉ đạo quyết liệt hơn so với năm 2010. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian của cán bộ công chức và nhân dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai quyết liệt góp phần chống thất thoát, lãng phí. Đến tháng 8/2011, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành hơn 70.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 4.585 tỷ đồng vi phạm kinh tế, 1.972 ha đất. Qua đó đó, kiến nghị thu hồi về gân sách Nhà nước 1.476 tỷ đồng, 1.937 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 8.000 tỷ đồng.

Quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản của Nhà nước có chuyển biến tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên của 9 tháng cuối năm đạt khoảng 3.900 tỷ đồng, tạm dừng chi 1.081 tỷ đồng để mua xe ô tô, điều hòa và thiết bị văn phòng.

Đến tháng 9/2011, cả nước ngừng khởi công, cắt giảm, dãn tiến độ, điều chuyển 3.230 dự án với số vốn trên 27.656 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là hơn 6.660 tỷ đồng… Các doanh nghiệp nhà nước đã rà soát, cắt, giảm, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư chính với số vốn hơn 39.000 tỷ đồng.

Việc quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên dần đi vào nề nếp, khắc phục hiệu quả tình trạng lãng phí. Việc sử dụng năng lượng, tiêu dùng trong các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cũng có chuyển biến tích cực…

Tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là công việc lâu dài, những khó khăn hạn chế là không ít, do đó Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề xuất Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt chú trọng lĩnh vực đầu tư phát triển, quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản.

Chính phủ cũng cần hoàn thiện pháp luật liên quan đến Luật, gắn với cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm cho các cơ quan có thẩm quyền đối với một số lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách, đất đai, nguồn nhân lực…

Quang Thanh
(Theo Chinhphu)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ông Nguyễn Sinh Hùng họp phiên đầu tiên về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Hôm nay 7/9, Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 họp phiên đầu tiên nhằm xây dựng mô hình, tổ chức, cách thức làm việc cho Ban Biên tập trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, phương thức thức tổ chức làm việc của Ban có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phương thức thức tổ chức làm việc của Ban có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phương thức thức tổ chức làm việc của Ban có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.

Việc chỉ đạo, phối hợp giữa các Tổ Biên tập với Thường trực Ban Biên tập phải thống nhất, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác xây dựng dự thảo phải đảm bảo tiếp thu được ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học trên mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và đặc biệt là ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, công tác xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bao gồm nhiều nội dung với khối lượng công việc rất lớn và tiêu chí cao, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao, phương thức làm việc rất khoa học của Ban Biên tập và các bộ phận liên quan mới có thể đảm bảo chất lượng công việc.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 phải trên cơ sở kế thừa và tổng kết cả quá trình thực hiện Hiến pháp 1946 kết hợp với các bản Hiến pháp qua các thời kỳ; phù hợp với tình hình đất nước trong giai đoạn cách mạng mới trên tinh thần tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Báo cáo về kế hoạch hoạt động và tổ chức công việc của Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, TS.Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Trưởng Ban Biên tập cho biết, theo lịch trình dự kiến, tháng 4/2012 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Báo cáo Tổng kết việc thi hành và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992.

Tháng 10/2012 trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo 1 của Hiến pháp. Tháng 1/2013 tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp…và đến tháng 10 hoặc 11/2013 sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Để đảm bảo chất lượng tham mưu cho Ủy ban, Ban Biên tập dự kiến sẽ thành lập 6 Tổ Biên tập bao quát các lĩnh vực trong nội dung Hiến pháp.

Nguyễn Đức
(Theo baodientu)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)