Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nhân Hoa Kỳ

Sáng 14/11, tiếp Chủ tịch Thượng viện bang California, Hoa Kỳ, Darrell Steinberg, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nhân Hoa Kỳ tới hợp tác, kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

nguyen sinh hung california22 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nhân Hoa Kỳ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Thượng viện bang California.

Nhiệt liệt chào mừng Ngài Darrell Steinberg và Đoàn Thượng viện bang California tới thăm Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp, hai bên đang nỗ lực hướng tới quan hệ ở tầm cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh bang California có rất nhiều người Việt Nam sinh sống, có quan hệ gắn bó, mật thiết với Việt Nam; tin tưởng sau chuyến thăm của Đoàn, quan hệ Việt Nam và bang California cũng như Hoa Kỳ sẽ có nhiều tiến triển tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Việt Nam-Hoa Kỳ đã vượt qua rào cản quá khứ và đang hướng tới mục tiêu quan hệ hợp tác chặt chẽ, bền vững hơn dựa trên hợp tác của Chính phủ, Quốc hội, giới doanh nhân hai nước trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Đồng ý với Ngài Chủ tịch Thượng viện bang California trong việc xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác vì lợi ích mỗi bên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trải qua thời gian dài chiến tranh giành độc lập dân tộc, hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề, Việt Nam đang nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có việc đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các quốc qua, vùng lãnh thổ, khu vực trên thế giới.

Việc Việt Nam-Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và ký kết Hiệp định thương mại song phương là bước tiến vượt bậc trong quan hệ hai bên; tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên có thể tăng cường hợp tác hơn nữa nhất là trong các lĩnh vực điện lực, viễn thông, công nghệ thông tin, bến cảng, sân bay, công nghệ cao, cơ khí, hóa chất, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…

Quan tâm đến việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, Ngài Darrell Steinbeg cho biết nhiều doanh nhân bang California mong muốn sang tìm kiếm cơ hội làm ăn và đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giao thông, trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia có chính trị ổn định, nền kinh tế đang phát triển vươn lên mạnh mẽ.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp Đoàn Thượng viện bang California, do Chủ tịch Steinberg dẫn đầu.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và bang California và mong muốn, qua chuyến thăm này bang California sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch Thượng viện bang California Darrell Steinberg đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mong hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Ông Darrell Steinberg nhấn mạnh, khi trở về nước, với vai trò là Chủ tịch Thượng viện của bang, ông sẽ thông báo với cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền về những tiến bộ của Việt Nam đã đạt được trong thời kỳ đổi mới; tạo mọi điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết cổ truyền

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất tăng thêm 1 ngày trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán (từ 4 ngày lên 5 ngày) để người lao động có một đợt nghỉ “thông tuần” trong năm. Nội dung này sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động.

Thảo luận lần đầu về Bộ luật Lao động sửa đổi tại UB Thường vụ hôm qua, 5/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích, hiện nay số ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 4 ngày, xen kẽ giữa kỳ nghỉ thường có một ngày đi làm trong tuần, tiếp đó người lao động lại nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Chính vì ngày đi làm “kẹt” giữa kỳ nghỉ nên hiệu quả không cao, mang tính hình thức.

TET2010 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết cổ truyền

Kỳ nghỉ Tết được nâng lên 5 ngày?

Ông Hùng đề xuất tăng thêm 1 ngày nghỉ để đợt nghỉ dịp tết cổ truyền của dân tộc thành 5 ngày liên tục. Cộng với 2 ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, người làm hành chính có được 1 tuần nghỉ trọn vẹn trong năm.

Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc tăng thêm ngày nghỉ trong dịp tết Nguyên đán là cần thiết, tạo điều kiện cho người lao động thêm thời gian nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc, giảm chi phí đi lại giữa kỳ nghỉ.

“So với các nước trong khu vực, số ngày nghỉ trong năm của Việt Nam vẫn còn thấp, nên thêm 1 ngày nghỉ có thể chấp nhận được” – bà Ngân nói.

Theo quy định hiện hành, người lao động được nghỉ Tết từ 30 tháng chạp đến hết ngày mùng 3 tháng giêng. Ngày mùng 4 Tết, dù Luật Lao động không quy định nhưng lâu nay các cơ quan, đơn vị vẫn cho cán bộ, công nhân viên được nghỉ.

Hiện người lao động Việt Nam chỉ được nghỉ hưởng lương 9 ngày lễ, Tết trong năm và 12 – 16 ngày phép trong một năm tuỳ theo điều kiện làm việc. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, số ngày nghỉ lễ, Tết ở Việt Nam còn thấp (Indonesia, Thái Lan: 13 ngày, Philippin: 12 ngày, Trung Quốc: 10 ngày… ).

Chưa kết luận có điều chỉnh dự thảo luật theo đề xuất này, UB Thường vụ QH sẽ xem xét trong lần thảo luận tiếp theo về việc sửa đổi Bộ luật Lao động.

P.Thảo

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tại Lễ kỷ niệm Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang

BBT xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang (4-11-1831 – 4-11-2011).

Hôm nay, trong không khí tưng bừng của ngày hội, Đảng bộ, quân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang long trọng kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng và thân ái gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng là “phên giậu” của Tổ quốc. Qua quá trình phát triển, với tên gọi, địa giới hành chính khác nhau, nhưng địa danh Tuyên Quang luôn hiện diện là một đơn vị hành chính quan trọng, là vùng đất gốc, có vị trí chiến lược trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhiều tên đất, tên người của tỉnh đã gắn với những sự kiện trọng đại của dân tộc. Trang vàng lịch sử Việt Nam mãi khắc ghi Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là Thủ đô Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã hiến dâng sức người, sức của, ngoan cường chiến đấu bảo vệ vững chắc quê hương, làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn, góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước hòa bình và bước sang thời kỳ đổi mới, nhân dân Tuyên Quang tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng quý báu, năng động, sáng tạo khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đã giành được thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay lớn lao trên quê hương cách mạng. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hệ thống cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, an sinh xã hội được đảm bảo. Năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng được phát huy. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai nghiêm túc, không khí phấn khởi và sự đồng thuận trong xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Những thành tựu và đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Tuyên Quang được Đảng, Nhà nước ta ghi nhận, đánh giá cao bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý và đặc biệt tại buổi lễ trọng thể, kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh hôm nay, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, quân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những đóng góp to lớn của Tuyên Quang vàosự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc chúng ta.

Kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tuyên Quang, là dịp để chúng ta cùng nhau tự hào ôn lại chặng đường vẻ vang và hào hùng của tỉnh, đồng thời truyền tiếp cho các thế hệ mai sau truyền thống yêu nước nồng nàn; tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập của các thế hệ người Tuyên Quang, biến niềm tự hào đó thành sức mạnh, thành hành động của mỗi tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh cần bám sát tình hình thực tiễn để đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu; phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới.

Cùng với phát triển kinh tế, phải hết sức chăm lo các vấn đề về văn hoá – xã hội, nhất là việc đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; coi trọng phát triển giáo dục – đào tạo, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; củng cố, tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, sự đồng thuận trong toàn xã hội, coi đây là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Với truyền thống 180 năm xây dựng và phát triển, truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng – Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa tỉnh Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, cùng cả nước vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Chúc Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục có nhiều thành tích mới, xây dựng Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Chúc sức khỏe các đồng chí và các bạn.

Xin trân trọng cảm ơn!

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Ưu tiên cho vùng xa và đồng bào dân tộc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phải có kế hoạch cụ thể để khai thác tốt các mục tiêu, chương trình, dự án trên địa bàn đã có

Ngày 15/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra tình hình thực hiện chính sách dân tộc, chính sách xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng đi có Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội K’So Phước, đại diện Ủy ban dân tộc của Chính phủ và Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm việc với tỉnh uỷ Đắc Lắc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm việc với tỉnh uỷ Đắc Lắc

Mở đầu chuyến thăm và làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, chính sách xóa đói giảm nghèo ở đây và được biết: Từ đầu năm đến nay, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, nhưng Đảng bộ và nhân dân địa phương đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức và đạt được những kết quả khá. Trong đó, giá trị tổng sản phẩm 9 tháng qua đạt 10.640 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nên kinh tế-xã hội tiếp tục ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách xóa đói giảm nghèo, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, triển khai hàng loạt các biện pháp để thực hiện lồng ghép các chương trình 134, 135, chương trình 30a, chương trình xây dựng trung tâm cụm xã cũng như các chính sách trợ giá, trợ cước, hỗ trợ bà con tiếp cận được khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng này đã giảm xuống đáng kể.

Tuy nhiên, tính theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, Đắk Lắk vẫn còn 20,8% số hộ nghèo. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 57%, có 3 huyện tỷ lệ nghèo trên 40%, đặc biệt có 22 thôn, buôn tỷ lệ hộ nghèo 100%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự đoàn kết, cố gắng vươn lên của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk để triển khai nhiệm vụ năm 2011 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, góp phần quan trọng cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, kinh tế-xã hội trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy thoái và bất ổn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chủ trương ưu tiên cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng. Nhiều chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên cũng đã và đang triển khai thực hiện. Tuy vậy, những chính sách đó đã thực sự đến với dân chưa thì cần phải có sự đánh giá đúng để tiếp tục triển khai hoặc thay đổi cho phù hợp. Bởi so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo ở Đắk Lắk vẫn còn cao; giáo dục y tế còn yếu kém, chất lượng lao động thấp. Do vậy, tỉnh Đắk Lắk cần rà soát lại các mục tiêu, chương trình, dự án đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo đã thực hiện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh để tiếp tục triển khai hiệu quả…

Sông Thao

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Bổ nhiệm Trưởng ban Dân nguyện nhiệm kỳ Quốc hội 2011-2016

Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dân nguyện nhiệm kỳ Quốc hội 2011-2016.
Chiều 21/9, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùngđã trao Nghị quyết 222/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hiền giữ chức Trưởng ban Dân nguyện.

HÌnh minh họa

HÌnh minh họa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn trên cương vị mới, ông Nguyễn Đức Hiền cùng tập thể sẽ gắn bó, đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể; trên cơ sở kế thừa kết quả đã đạt được của Ban Dân nguyện, đề xuất sáng kiến, đổi mới, góp phần để công tác dân nguyện ngày càng tốt hơn vì mục đích gần dân, lắng nghe dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Hồng Phong(Theo ChinhPhu)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ông Nguyễn Sinh Hùng: Xây dựng TTXVN có uy tín cao trong khu vực và quốc tế

Luôn song hành với những giai đoạn cách mạng trọng đại của dân tộc, thông tin của TTXVN ngày càng có chiều sâu, đa dạng, phong phú, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2011), chiều 14/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đến thăm, làm việc và chúc mừng Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Ban Biên tập tin đối ngoại của TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Ban Biên tập tin đối ngoại của TTXVN

Ghi nhận và đánh giá cao bề dày truyền thống của TTXVN, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, 66 năm xây dựng và phát triển, từ bản tin đầu tiên ngày 15/9/1945 phát đi toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử của đất nước, TTXVN luôn song hành với những giai đoạn cách mạng trọng đại của dân tộc.

Bày tỏ vui mừng về những thành tích mà TTXVN đã đạt được trong những năm qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thông tin của TTXVN ngày càng có chiều sâu, đa dạng, phong phú, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Với mạng lưới phân xã ở khắp 63 tỉnh/thành trong cả nước; 27 phân xã ở nước ngoài và một lực lượng lao động đông đảo hơn 2.200 cán bộ, nhân viên, xuất bản 40 loại sản phẩm thông tin bằng tất cả các loại hình tin, ảnh, hình, TTXVN đã có những đóng góp tích cực vào việc giới thiệu hình ảnh, các sự kiện thời sự của đất nước đến với bạn bè quốc tế.

TTXVN cũng đã làm tốt việc đưa tin các hoạt động của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoạt động của hệ thống chính trị, kịp thời đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân và những phản hồi từ nhân dân đến với Đảng, Nhà nước; tạo nên sự gắn bó, thống nhất, đóng góp vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Không chỉ là nhà báo, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của TTXVN là những người làm công tác tư tưởng – một mặt trận đặc thù với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn TTXVN tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, thông tin đa dạng, toàn diện và sâu sắc hơn nữa, phục vụ đắc lực tiến trình xây dựng, đổi mới các hoạt động của Quốc hội; làm cho mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri ngày càng gần hơn, sâu sát hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng mong cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của TTXVN tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng TTXVN có vị trí ngày càng lớn, uy tín cao trong khu vực và quốc tế, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và ngày càng được nhân dân tin yêu.

Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng khẳng định nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng mà Đảng và Nhà nước giao phó; tiếp tục xây dựng và phát triển TTXVN trở thành Tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh, một cơ quan thông tin chiến lược đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

An Vũ (Theo Chinhphu)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Quy định 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dãn nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

    Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact là các thiết bị bắt buộc phải dán nhãn năng lượng từ 1/1/2013

Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact là các thiết bị bắt buộc phải dán nhãn năng lượng từ 1/1/2013

Theo đó, có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu gồm:

1- Nhóm thiết bị gia dụng: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình.

2- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại.

3- Nhóm thiết bị công nghiệp: Máy biến áp phân phối, động cơ điện.

4- Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con (loại 7 chỗ trở xuống).

Lộ trình thực hiện dãn nhãn năng lượng

Quyết định nêu rõ, đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp, việc dãn nhãn năng lượng tự nguyện được khuyến khích thực hiện đến hết ngày 31/12/2012. Từ ngày 1/1/2013 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc.

Khuyến khích thực hiện việc dãn nhãn năng lượng tự nguyện đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại. Riêng đối với tủ giữ lạnh thương mại, sẽ thực hiện dãn nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc từ ngày 1/1/2014.

Đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải, việc dãn nhãn năng lượng tự nguyện được khuyến khích thực hiện đến hết ngày 31/12/2014. Từ ngày 1/1/2015 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc.

Từ 2013, không lưu thông đèn tròn công suất lớn hơn 60W

Về lộ trình thực hiện áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, đối với nhóm thiết bị gia dụng, từ ngày 1/1/2014, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Thời hạn này đối với các nhóm thiết bị công nghiệp, thiết bị văn phòng và thương mại là 1/1/2015.

Quyết định cũng nêu rõ, không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn tròn (đèn sợi đốt) có công suất lớn hơn 60W từ ngày 1/1/2013.

Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ sở sản xuất chuyển đổi, cải tiến sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Tuấn Khang (Theo Chính Phủ)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Nghị quyết số 07/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Ảnh minh họa

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Ảnh minh họa

Theo đó, sẽ chính thức thông qua và cho ý kiến đối với 41 dự án Luật, Pháp lệnh trong năm 2012. Dưới đây là toàn văn Nghị quyết:

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

Sau khi xem xét Tờ trình số 08/TTr-UBTVQH13 ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Ðiều 1

Ðiều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 như sau:

1. Bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ nhất;

2. Chuyển dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Luật giáo dục đại học từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2;

3. Bổ sung dự án Luật cơ yếu, Luật biển Việt Nam vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 2;

4. Chuyển dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) từ Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 2, sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012;

5. Bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật phòng, chống rửa tiền vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2;

6. Bổ sung dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Ðiều 2

Thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 như sau:

A- CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH THỨC

I- CÁC DỰ ÁN LUẬT

1. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

a- Trình Quốc hội thông qua: 14 dự án

1. Luật quản lý giá

2. Luật bảo hiểm tiền gửi

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế

4. Luật phòng, chống rửa tiền

5. Luật giám định tư pháp

6. Luật xử lý vi phạm hành chính

7. Luật giáo dục đại học

8. Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

9. Bộ luật lao động (sửa đổi)

10. Luật công đoàn (sửa đổi)

11. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá

12. Luật quảng cáo

13. Luật tài nguyên nước (sửa đổi)

14. Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013

b- Trình Quốc hội cho ý kiến: 7 dự án

1. Luật dự trữ quốc gia

2. Luật hợp tác xã (sửa đổi)

3. Luật đô thị

4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư

5. Luật xuất bản (sửa đổi)

6. Luật thư viện

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực

2. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

a- Trình Quốc hội thông qua: 9 dự án

1. Luật dự trữ quốc gia

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân

3. Luật hợp tác xã (sửa đổi)

4. Luật đô thị

5. Luật Thủ đô

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư

7. Luật xuất bản (sửa đổi)

8. Luật thư viện

9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực

b- Trình Quốc hội cho ý kiến: 9 dự án

1. Luật đất đai (sửa đổi)

2. Luật đầu tư công, mua sắm công

3. Luật quy hoạch

4. Luật hộ tịch

5. Luật hòa giải cơ sở

6. Luậtphòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai

7. Luật phòng, chống khủng bố

8. Luật giáo dục quốc phòng – an ninh

9. Luật hoặc Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

II. CÁC DỰ ÁN PHÁP LỆNH: 02 dự án mới và các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 nhưng chưa được thông qua

1. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối

2. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

B. CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN BỊ: 25 dự án

1. Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)

2. Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

3. Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

4. Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

5. Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

6. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi)

7. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (sửa đổi)

8. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

9. Luật công an nhân dân (sửa đổi)

10. Bộ luật dân sự (sửa đổi)

11. Bộ luật hình sự (sửa đổi)

12. Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

13. Luật tạm giữ, tạm giam

14. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng

15. Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

16. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

17. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

18. Luật việc làm

19. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy

20. Luật khí tượng thủy văn

21. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

22. Luật Quân đội nhân dân Việt Nam

23. Luật bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

24. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động

25. Pháp lệnh đào tạo nghề một số chức danh tư pháp

Ðiều 3

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay sau khi Chương trình được thông qua; việc tổ chức thực hiện Chương trình cần được đổi mới với cách làm tập trung hơn, hiệu quả hơn; bảo đảm tính ổn định của Chương trình, chỉ điều chỉnh trong trường hợp thật cần thiết.

2. Chính phủ sớm phân công cơ quan soạn thảo các dự án mới được đưa vào Chương trình, củng cố các Ban soạn thảo đã được thành lập; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện Chương trình; kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

3. Cơ quan trình dự án, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình chuẩn bị dự án; bảo đảm dự án được chuẩn bị kỹ về nội dung và kỹ thuật văn bản, hạn chế tối đa những quy định chung chung; bảo đảm tiến độ chuẩn bị, thời hạn gửi dự án và các tài liệu liên quan đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; tham gia chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh.

4. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án trong quá trình soạn thảo, thẩm tra và nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

5. Các Ðoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tổ chức nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia và các ngành có liên quan; dành thời gian thảo luận, cho ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 06 tháng 8 năm 2011.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

(Ðã ký)

NGUYỄN SINH HÙNG

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ông Nguyễn Sinh Hùng đề cử 10 chủ tịch hội đồng, chủ nhiệm ủy ban Quốc hội

Chiều 27/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình danh sách đề cử 10 ứng viên chủ tịch Hội đồng, chủ nhiệm ủy ban. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu được giới thiệu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Đầu giờ chiều, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về dự kiến số phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng dân tộc, số phó chủ nhiệm và ủy viên của mỗi ủy ban. Đa số đoàn đại biểu nhất trí với tờ trình. Một số ý kiến đề nghị số phó chủ tịch và ủy viên của mỗi ủy ban nên bố trí đảm bảo cơ cấu vùng miền để nắm bắt kịp thời và đề ra chủ trương phù hợp.

Tiếp đó Chủ tịch Quốc hội đã đọc tờ trình danh sách đề cử vào chức vụ chủ tịch Hội đồng, chủ nhiệm các ủy ban. Trong 10 người được đề cử, có 4 vị tái đề cử là Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai.

6 người mới được giới thiệu ứng cử vào các chức danh sau: ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh; ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường; ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Trong 10 người trên, trẻ nhất là ông Phan Xuân Dũng, 51 tuổi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội khóa 12; nhiều tuổi nhất là ông Đào Trọng Thi (60 tuổi), Chủ nhiệm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi của Quốc hội khóa 12.

Có 3 người hoạt động lâu năm trong Quốc hội (3 khóa 10, 11 và 12) là các ông Ksor Phước, Phan Trung Lý và bà Trương Thị Mai. Người lần đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu. Đặc biệt có tới 7 người trình độ tiến sĩ.

Quốc hội cũng đề cử các phó chủ tịch, phó chủ nhiệm cho Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Trước đó sau 5 ngày làm việc, Quốc hội khóa 13 đã hoàn tất bầu các vị trí lãnh đạo cao nhất gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 65 tuổi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều 62 tuổi. Cả 3 vị đều là ứng viên duy nhất cho các vị trí trên.

 

PV

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Đổi mới, nâng cao trách nhiệm

Chủ tịch Quốc hội (QH) khóa XII Nguyễn Phú Trọng mặc dù đã phát biểu tuyên bố kết thúc nhiệm vụ nhưng khi nhận bó hoa thể hiện tình cảm của tân Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong tiếng vỗ tay hồi lâu của QH đã bày tỏ sự xúc động của mình và “xin có vài lời tâm sự và nhắn gửi thêm”:

Cách đây hơn năm năm, tôi còn nhớ ngày 26-6-2006, tôi được bầu làm chủ tịch QH. Lần đầu tiên được bầu làm chủ tịch QH mà phải điều hành ngay thì rất bỡ ngỡ, lo lắng. Trong Ủy ban Thường vụ QH có nói với tôi là phát biểu hứa hẹn thì tôi không dám hứa hẹn gì nhiều, chỉ xin “lẩy” hai câu Kiều để nói lên tâm trạng thật của mình lúc bấy giờ: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”.

Khi xuống có người nói gì mà khiêm tốn, nhún nhường thế, tôi trả lời đó là tình cảm thật của tôi.

nguyen sinh hung

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – Ảnh: V.DŨNG

Lần này sau năm năm, tôi thấy QH khóa XIII bầu một lần đủ 500 đại biểu, trình độ cao, chất lượng tốt, đội ngũ rất sung sức, tràn đầy hi vọng. Chúng ta vừa bầu được một UBTVQH cũng rất đẹp đội hình. Tôi cứ hình dung sắp tới đồng chí Chủ tịch QH điều hành ngồi giữa, hai bên có hai chị nữ xinh đẹp và bề thế, một chị miền Bắc, một chị Nam bộ, hai bên ngoài là một đồng chí phụ trách luật pháp và một đồng chí phụ trách quốc phòng an ninh. Ủy ban Thường vụ QH rất vững vàng và tôi hoàn toàn tin tưởng sắp tới chúng ta sẽ có bước đột phá, đổi mới tốt hơn nữa. Cho nên cũng tiếp theo hai câu Kiều lần trước, lần này lại xin mượn Kiều để gửi gắm đến các đồng chí: “Chén vui nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin đợi ngày này… năm năm sau”.

nguyen sinh hung

Thứ tự từ phải sang trái: Phó CTQH Huỳnh Ngọc Sơn, Phó CTQH Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó CTQH Uông Chu Lưu.

Danh sách 17 ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII

1. Chủ tịch QH: Ông Nguyễn Sinh Hùng, 65 tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Đại biểu QH tỉnh Hà Tĩnh (đạt 91,4% phiếu đồng ý).

Bốn Phó Chủ tịch QH là:

2. Bà Tòng Thị Phóng, 57 tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn QH, Phó Chủ tịch QH khóa XII, Đại biểu Quốc hội Đắk Lắk (đạt 95,8% phiếu).

3. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 57 tuổi, Bí thư T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại biểu Quốc hội Bến Tre (đạt 96,6% phiếu).

4. Ông Uông Chu Lưu, 56 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH khóa XII, Đại biểu QH Thanh Hóa (đạt 98,4% phiếu).

5. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, 60 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH khóa XII, Trung tướng, Đại biểu QH Đà Nẵng (đạt 97,6% phiếu).

Ủy viên ủy ban thường vụ qh khóa xiii (xếp theo số phiếu từ cao xuống thấp):

6. Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, 56 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH khóa XII, Đại biểu QH Cao Bằng (91,8% phiếu).

7. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, 53 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội khóa XII, Đại biểu QH Lâm Đồng (91,6% phiếu).

8. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Đào Trọng Thi, 60 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng khóa XII, Đại biểu QH Hà Nội (91,6% phiếu).

9. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, 53 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách khóa XII, Đại biểu QH Yên Bái (91,4% phiếu).

10. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, 57 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XII, Đại biểu QH Gia Lai (91% phiếu).

11. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, 51 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khóa XII, Đại biểu QH Ninh Thuận (90,8% phiếu).

12. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, 58 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Đại biểu QH Nghệ An (90,4% phiếu).

13. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, 52 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Đại biểu QH Thái Bình (89,4% phiếu).

14. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, 54 tuổi, Ủy viên T.Ư Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đại biểu QH An Giang (88% phiếu).

15. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, 57 tuổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XII, Đại biểu QH Nghệ An (86,8% phiếu)

16. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, 56 tuổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XII, Thiếu tướng, Đại biểu QH Phú Thọ (85,6% phiếu).

17. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, 57 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, Đại biểu QH Sơn La (80,2% phiếu).

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)