Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Lễ kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tuyên Quang

Là cái nôi của Cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp

Sáng 29/10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2.

Tới dự Lễ mít tinh có ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội; bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung Ương; ông Nguyễn Sáng Vang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang… cùng đông đảo các lãnh đạo các bộ ngành Trung ương cũng như các tỉnh bạn. Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương gửi lẵng hoa chúc mừng. Buổi lễ còn có sự góp mặt đông đảo của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm.

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm.

Tháng 11/1831, Vua Minh Mệnh chia định hạt từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang, đánh dấu sự ra đời Tuyên Quang với tư cách là một tỉnh của nhà nước Việt Nam. Trải qua 180 năm xây dựng và phát triển, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn kiên cường, bất khuất, cùng với nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn một lòng theo Đảng, lập nhiều thành tích vẻ vang, viết tiếp những trang sử oanh liệt của tổ tiên, ông cha trong hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đối với đồng bào trên mọi miền Tổ quốc, Tuyên Quang luôn là địa danh mật thiết và thiêng liêng. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Tuyên Quang là “Thủ đô khu giải phóng”, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã làm việc, lãnh đạo cách mạng thành công. Tuyên Quang cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang trở thành Thủ đô Kháng chiến, nơi che chở cho các cơ quan đầu não, lãnh đạo cuộc kháng chiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiếp tục phát huy truyền thống, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005 – 2010 đạt hơn 13,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,6 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tuyên Quang cũng là dịp nhìn lại lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang, từ đó tuyên truyền cho thế hệ mai sau, biến niềm tự hào thành sức mạnh, thực hiện thắng lợi nghị quyết 11 của Đảng và nghị quyết Đảng bộ tỉnh, xây dựng Tuyên Quang phát triển ngày càng giàu đẹp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Tuyên Quang cần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, trong giai đoạn phát triển mới, Tuyên Quang cần bám sát tình hình thực tiễn, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Nhân dịp 180 năm thành lập tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang./.

Quang Trung (Theo VOV)
(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự đêm hội đường phố tỉnh Tuyên Quang

Tối qua 28/10, tại quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh, người dân thành phố trẻ Tuyên Quang lại một lần nữa được thể hiện mình qua đêm hội đường phố. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN đã đến dự và chung vui cùng người dân thành phố.

Tham dự đêm hội đường phố còn có các đồng chí Ủy viên BCHTW Đảng: Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại TW; Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Sáng Vang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Tuyên Quang.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Tuyên Quang trong đêm hội đường phố

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Tuyên Quang trong đêm hội đường phố

Đêm hội đường phố cũng được chào đón đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức TW, Ban Tuyên giáo TW, Ủy ban MTTQ Việt Nam, một số Bộ, ban, ngành như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; Bộ Xây dựng…, đại diện Quân khu 2, Ban chỉ đạo Tây Bắc.

Về phía tỉnh Tuyên Quang còn có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hoan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Chẩu Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Và đặc biệt sự có mặt và cổ vũ nhiệt tình của hàng vạn người dân trong và ngoài tỉnh đã mang lại một đêm hội đường phố thực sự ấn tượng.

20 mô hình với đủ màu săc, âm thanh và ý tưởng đã lần lượt được rước qua lễ đài. Đi đầu là mô hình cây đa Tân Trào, đây chính là biểu tượng cho ý chí, tinh thần và tình cảm sắt son của người dân Tuyên Quang dành cho cách mạng, cho Đảng và Bác Hồ. Tiếp sau đó là biểu tượng của tấm Huân chương cao quý, Huân chương Hồ Chí Minh, đây chính là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước dành cho những nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang trong 180 năm xây dựng và trưởng thành.

Bằng tình cảm, sự yêu mến và tự hào về quê hương Tuyên Quang, những biểu tượng lán Nà Lừa, Đình Tân Trào, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã được thể hiện đầy sáng tạo trong đêm hội đường phố.

Ngoài ra, các mô hình như cá chép trông trăng, sức khỏe Phù đổng, 50 năm con đường Hồ Chí Minh trên biển, hãy bảo vệ trái đất, gia đình đoàn tụ,… cũng đã lần lượt được rước trong đêm hội đường phố, tạo nên bức tranh sống động về con người và mảnh đất Tuyên Quang.

Khác với đêm hội đường phố dịp Trung thu, đêm hội đường phố kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh còn có phần trình diễn trang phục của các dân tộc Kinh, Tày, Dao, H’Mông. Hơn 200 nam thanh nữ tú đã tham gia phần trình diễn này.

Hàng vạn người dân đã có mặt trong đêm hội đường phố. Trong đó có rất nhiều du khách đến từ khắp nơi trong cả nước. Đêm hội đường phố đã thực sự để lại dấu ấn về một thành phố trẻ năng động và hiện đại.

Dưới đây là một số hình ảnh trong đêm hội đường phố:

Mô hình cây đa Tân Trào

Mô hình cây đa Tân Trào

Những cô gái Dao trong trang phục dân tộc tham gia đêm hội đường phố

Những cô gái Dao trong trang phục dân tộc tham gia đêm hội đường phố

 Mô hình Lán Nà Lừa

Mô hình Lán Nà Lừa

Mô hình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tỉnh

Mô hình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tỉnh

Mô hình cá chép trông trăng

Mô hình cá chép trông trăng

Mô hình sức trẻ Phù đổng

Mô hình sức trẻ Phù đổng

Mô hình cá chép vượt vũ môn

Mô hình cá chép vượt vũ môn

Rất nhiều các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đã có mặt và đưa tin về các hoạt động kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tuyên Quang

Rất nhiều các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đã có mặt và đưa tin về các hoạt động kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tuyên Quang

Theo TuyenQuang
(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ông Hoàng Bình Quân trả lời phỏng vấn hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, đã thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 11-15/10.

Kết thúc chuyến thăm, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm.

    Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

– Là Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là thành viên chính thức trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, xin ông cho biết ý nghĩa của chuyến thăm?

Ông Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm nay của Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai Đảng, hai nước có nhiều sự kiện trọng đại.

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XI và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp, bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Đối với đất nước Trung Hoa, năm nay đánh dấu 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm đầu tiên triển khai Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 và chuẩn bị Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt, năm nay là năm đánh dấu 20 năm phát triển quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa và đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, sau Đại hội Đảng toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm các nước láng giềng và bạn bè truyền thống. Đồng thời, chuyến thăm thể hiện Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc anh em.

Chuyến thăm là dịp đánh giá lại những thành tựu trong quan hệ giữa hai nước 20 năm qua, trên cơ sở đó, bàn các phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Hai bên có điều kiện trao đổi sâu sắc tình hình, những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, củng cố và tăng cường lòng tin, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.

Có thể nói, chuyến thăm là dấu mốc, là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước; đồng thời có ảnh hưởng tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

– Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm?

Ông Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp. Hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 8 điểm thể hiện những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về quan hệ hai Đảng, hai nước và những định hướng lớn để phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.

Xin điểm một số kết quả cụ thể, chủ yếu sau: thứ nhất, Tổng Bí thư và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hội đàm, hội kiến sâu rộng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và các ông lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Hai bên đều khẳng định truyền thống và tầm quan trọng của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Hai bên cùng nhìn lại những thành tựu to lớn đã đạt được trong quá trình phát triển quan hệ hai nước 61 năm qua, đặc biệt là 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ và nhất trí cho rằng, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Hai bên nhấn mạnh tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau là kinh nghiệm quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh. Đồng thời, hai bên cũng khẳng định quan hệ hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau.

Bên cạnh những nhận thức chung đã có, có thể nói đây là một bước mở rộng nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thể hiện nỗ lực của cả hai bên trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt-Trung, phát huy tích cực những điểm tương đồng, đồng thời tích cực giải quyết những tồn tại, đảm bảo hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo cùng phát triển nhanh, bền vững, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sức sống của chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, hai bên đã bàn và thống nhất các phương hướng và nội dung, biện pháp toàn diện, cụ thể và thiết thực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Theo đó, hai bên duy trì truyền thống tốt đẹp các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của Ủy ban hợp tác song phương Việt-Trung trong việc đi sâu hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ song phương, đẩy mạnh hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực đạt thành quả phong phú hơn nữa.

Hai bên cũng đã bàn và thống nhất thắt chặt giao lưu giữa hai Đảng, thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015;” đi sâu hợp tác giữa quân đội hai nước, hợp tác trong các lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh, tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp.

Hai bên sẽ tăng cường và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc,” tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, khoáng sản, năng lượng, du lịch…, thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác lâu dài với công nghệ tiên tiến và đảm bảo tiến độ; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, y tế, thể thao, báo chí…

Đồng thời, hai bên tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân, mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, các địa phương, nhất là các tỉnh giáp biên giới hai nước.

Thứ ba, hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành và thẳng thắn về các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, trong đó có vấn đề trên biển Đông, vấn đề bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, vấn đề ngư dân, lập đường dây nóng liên lạc giữa cơ quan ngư nghiệp hai nước; thống nhất các nhận thức chung để giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình các vấn đề trên biển.

Thứ tư, trong chuyến thăm, hai bên đã ký 6 văn kiện quan trọng, trong đó có hợp tác giữa hai Đảng trong 5 năm tới, thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước, quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại, các thỏa thuận trao đổi giáo dục, nghị định thư về vận tải ôtô. Hai bên đã chính thức khai thông đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thứ năm, Tổng Bí thư và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm một số địa phương tại tỉnh Quảng Đông, đặc biệt là thành phố Thâm Quyến, một trong những thành phố phát triển nhanh và là biểu tượng cho sự thành công của công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc, qua đó tìm hiểu và nắm bắt thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế-xã hội.

– Xin ông cho biết các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Ông Hoàng Bình Quân: Để triển khai nhận thức chung và các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt những việc sau: Một là, tiếp tục tổ chức các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, các ngành để thống nhất triển khai và cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao; tăng cường trao đổi chiến lược, đồng thời bàn biện pháp cụ thể không ngừng thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Hai là, triển khai Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng, Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước; tích cực thúc đẩy các dự án hợp tác hiện có, đồng thời triển khai các dự án mới, đẩy nhanh khởi công các công trình và phát huy tối đa các cơ chế hợp tác song phương.

Ba là, các bộ, ngành chủ động thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành của Trung Quốc, thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký kết, tạo các bước chuyển mạnh mẽ và thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

Bốn là, các địa phương, nhất là địa phương có biên giới với Trung Quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân chủ động tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác với các địa phương, đoàn thể và tổ chức nhân dân Trung Quốc nhằm tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý báo chí để các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Sáu là, tiếp tục triển khai giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước trên cơ sở các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước và “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển của hai nước Việt Nam, Trung Quốc, góp phần vào hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

(TTXVN)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)