Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp thường kỳ cuối cùng Chính phủ khóa XII

Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không lơi lỏng việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì đà tăng trưởng ở mức hợp lý.

Ngày 24/7, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ nhằm đánh giá tình KT- XH tháng 7 và 7 tháng vừa qua, đồng thời thống nhất các biện pháp chỉ đạo và điều hành trong các tháng còn lại của năm 2011.

Đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2011

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2011

Mở đầu phiên họp, thay mặt tập thể Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa, chúc mừng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ngân sách của Quốc hội.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp của các đồng chí trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ.

Thay mặt các thành viên Chính phủ vừa nhận nhiệm vụ mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là niềm vui, niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định trên cơ sở kinh nghiệm 15 năm công tác tại Chính phủ sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ mới được giao, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực công tác, trình độ, phẩm chất để xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Kinh tế – xã hội đạt kết quả tích cực

Đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm đã dần đi vào ổn định, các thành viên Chính phủ cho rằng kinh tế – xã hội đất nước đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra khi đạt hơn 51 tỷ USD trong 7 tháng qua.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công-nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá cao, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 mặc dù tăng 1,17% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các tháng đầu năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là do giá cả một số mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước tăng cao, nhất là các sản phẩm chăn nuôi.

nguyen sinh hung

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với các thành viên Chính phủ.

Chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được các cấp, các ngành thực hiện tốt, như hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho hơn 850.000 người.

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 16,9 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng…; tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống cho nhân dân… Việc thăm hỏi và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ nhân Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 được tổ chức cho đáo.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ nhận định, từ nay đến cuối năm, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Giá cả hàng hóa và tình hình thị trường thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, thiên tai, lụt bão có thể xảy ra nhiều hơn trong các tháng tới, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, với lãi suất cao cũng gây khó khăn cho việc vay vốn tín dụng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tập trung kiềm chế lạm phát

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Trong tháng 7/2011, kinh tế – xã hội dần đi vào ổn định. Lạm phát đang được kiềm chế; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh vẫn ổn định; kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra; nhập siêu có xu hướng giảm mạnh; thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách nhà nước giảm, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu du lịch – dịch vụ tăng mạnh. An sinh xã hội được chú trọng; công tác giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định đời sống luôn được quan tâm. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tư, an toàn xã hội được giữ vững.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung một số giải pháp trọng tâm sau.

Trước hết, tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý như đã nêu trong các Nghị quyết điều hành của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 11; thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ; đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng; giảm dần lãi suất cho vay.

nguyen sinh hung

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên Chính phủ khóa XII chụp ảnh lưu niệm.

Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời, tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; khẩn trương tăng số lượng con giống, ổn định giá thức ăn chăn nuôi…bảo đảm đáp ứng nhu cầu, không để thiếu hàng, sốt hàng, giá thực phẩm tăng cao hoặc diễn biến bất thường. Chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai dịch bệnh.

Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo đảm bảo điện cho sản xuất, khởi công các công trình trọng điểm, cấp bách của đất nước. Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chú trọng việc đảm bảo an toàn giao thông; xử lý triệt để các điểm đen và hạn chế, đẩy lùi các vụ tai nạn giao thông.

* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến hoàn thiện Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các thành viên Chính phủ khóa XII đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và nghiêm túc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Song Chính phủ khóa XIII cần làm tốt hơn việc phân định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tránh trùng dẫm, nhất là phải cải tiến, đổi mới mạnh mẽ công tác dự báo kinh tế – xã hội. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng cần chú trọng công tác cung cấp thông tin đến các tầng lớp nhân dân phải chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, đầy đủ hơn. /.

Việt Đông

Ảnh: Nhật Bắc

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu 8 nhóm giải pháp phát triển KT-XH

Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII ngày 21/7, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nêu rõ 8 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2011 ở mức cao nhất.

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra những khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và quốc xuất hiện ngay từ đầu năm 2011. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, bất ổn chính trị tại một số khu vực. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn hơn dự báo cuối năm 2010.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII

“Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Kết quả bước đầu đáng mừng

Nhận diện được tình hình nêu trên, tháng 2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo và ra Kết luận 02/KL-TW về tình hình KT-XH năm 2011 cũng như báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 59/2011/QH12.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, các ngành, các cấp đã khẩn trương xây dựng chương trình hành động, tổ chức thực hiện quyết liệt giải pháp đề ra.

Báo cáo cho biết, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả tích cực, toàn diện. Có thể kể tới một số “điểm sáng” như mức tăng giá tiêu dùng chậm lại và có xu hướng giảm. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua (10%).

Nhập siêu bằng 15,72% tổng kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu Quốc hội là không quá 18%). Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua bổ sung gần 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 409,7 tỷ đồng, bằng 38,3% GDP. Mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 5,57%, thấp hơn cùng kỳ và chỉ tiêu cả năm 2011 Quốc hội thông qua nhưng đây là nỗ lực rất lớn của cả nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, phải phấn đấu giảm bội chi, Chính phủ vẫn đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. 6 tháng, đã tạo việc làm cho khoảng 724,36 ngàn người, trong đó xuất khẩu lao động 45,86 ngàn người. Đã xuất dự trữ quốc gia cứu trợ 56,2 ngàn tấn gạo và các vật tư, thiết bị thiết yếu với tổng giá trị khoảng 512 tỷ đồng.

Khó khăn 6 tháng cuối năm còn lớn

Đánh giá những kết quả tích cực trên chỉ là bước đầu, Chính phủ đã chỉ ra khó khăn, thách thức mà nước ta đối diện trong 6 tháng cuối năm vẫn còn lớn. Đó là lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 2,9% so với cuối năm 2010.

Khu vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm.

Mô hình phát triển kinh tế của nước ta còn một số bất cập. Tai nạn giao thông, tội phạm, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội. Tình hình trên sẽ tác động trực tiếp tới việc thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH năm 2011 và cả các năm tiếp theo.

Một số chỉ tiêu cơ bản để định hướng chỉ đạo, điều hành

Trên cơ sở tình hình thực tiễn và dự báo xu hướng biến động kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 để định hướng chỉ đạo điều hành. Cụ thể, nỗ lực phấn đấu để tăng trưởng GDP cả năm ở mức hợp lý khoảng 6%. Phấn đấu, GDP năm 2012 đạt 6,5%.

Thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15-17%, phấn đấu năm 2012 và các năm tiếp theo lạm phát thấp hơn, trở về mức một con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng 15-16%, kiểm soát nhập siêu không quá 15-16% kim ngạch xuất khẩu, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

8 nhóm giải pháp chủ yếu

Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Đó là các nhóm giải pháp về: chính sách tiền tệ; chính sách tài khóa; chính sách thương mại, giá cả, thị trường; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; bảo đảm an sinh xã hội; về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền.

Trong đó, mỗi nhóm đều đưa ra các biện pháp, chương trình hành động cụ thể. Đơn cử, về chính sách tiền tệ, tiếp tục được điều hành chặt chẽ, thận trọng, giảm lãi suất ở mức phù hợp, bảo đảm thanh khoản của hệ thống tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Ổn định giá trị đồng tiền là một trong những mục tiêu trung và dài hạ của chính sách này.

Chính sách tài khóa tiếp tục được thực hiện thắt chặt. Phấn đấu vượt 7-8% dự toán thu ngân sách, tiết kiệm chi, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Về chính sách thương mại, giá cả, thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra đột biết giá các mặt hàng thiết yếu, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường…

Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội quyết định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và thuế thu nhập cá nhân đối với một số trường hợp khó khăn, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội trong năm 2011 và 2012. Theo báo cáo của Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về cơ chế cảnh báo sớm đối với doanh nghiệp nhà nước.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội sẽ được tập trung làm tốt hơn nữa. Chính phủ quyết tâm giữ vững và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội đã đề ra năm 2011 như tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%…

Về quốc phòng, an ninh, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này, đặc biệt, trước tình hình và diễn biến phức tạp, chúng ta cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, huy động sức mạnh toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Về công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền thì chủ động thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời tăng cường đối thoại.

Chính phủ tin tưởng, với quyết tâm cao, đoàn kết, đồng thuận về tư tưởng, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định sẽ tranh thủ được thuận lợi, vượt qua được thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Hồng Phong

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén

Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị – xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Lê Sơn

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chính phủ quyết tâm số hóa, bắt kịp công nghệ mới trên thế giới

Ngày 24/5, Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8) với chủ đề “Phát thanh-truyền hình trong kỷ nguyên số” chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. – Ảnh: Chinhphu.vn

Hội nghị được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Viện Phát triển phát thanh-truyền hình châu Á – Thái Bình dương (AIBD) phối hợp tổ chức.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, VOV lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị kéo dài 7 ngày với 11 hội thảo lớn, thu hút trên 600 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức phát thanh – truyền hình (PT-TH) trong toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng phát triển báo chí truyền thông nói chung và ngành PT-TH nói riêng. Trong những năm qua, ngành PT-TH Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh với những công nghệ mới, từng bước hội nhập với PT-TH của thế giới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy nhanh tiến độ số hóa, bắt kịp công nghệ mới trên thế giới. – Ảnh: Chinhphu.vn

Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng PT-TH đến năm 2020 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Theo đó, lộ trình chuyển đổi số hóa truyền dẫn phát sóng PT-TH đã được đề rất cụ thể, đảm bảo đến 2020 cơ bản chấm dứt việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sử dụng công nghệ tương tự; đồng thời khuyến khích việc chuyển hoàn toàn từ công nghệ truyền dẫn, phát sóng phát thanh từ công nghệ tương tự sang công nghệ số.

Với chủ trương này, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy nhanh tiến độ số hóa, bắt kịp xu thế phát triển của các công nghệ mới trên thế giới.

Theo Tổng Giám đốc VOV Vũ Văn Hiền, Hội nghị lần này cho thấy tầm vóc của báo chí Việt Nam nói chung, khẳng định vị thế và uy tín trong lĩnh vực PT-TH của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hội nghị cũng khẳng định báo chí Việt Nam nói chung, ngành PT-TH Việt Nam nói riêng đã hội nhập sâu rộng.

Thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị này là chúng ta đang thực hiện lộ trình quy hoạch truyền dẫn phát sóng PT-TH số đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đồng thời thực hiện chiến lược trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2020. AMS 8 sẽ bế mạc ngày 26/5. AMS 9 sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 5/2012.

Từ Lương

(Theo www.nguyensinhhung.com)