Ông Nguyễn Xuân Phúc không để tham nhũng trong xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để xảy ra lãng phí, tham nhũng, thất thoát đối với các công trình được đầu tư xây dựng theo mô hình nông thôn mới, làm giảm lòng tin của bà con các dân tộc đối với chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thi công đường bê tông thôn bản xã Thanh Chăn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thi công đường bê tông thôn bản xã Thanh Chăn.

Ngày 6/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và Đoàn công tác đã tới kiểm tra việc thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Đây là một trong 11 xã của tỉnh Điện Biên được chọn làm thí điểm và bước đầu thu được những kết quả tích cực về kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh.

Đến nay, toàn xã không có hộ gia đình nào ở nhà tạm bợ, dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo còn 17,7%, đặc biệt 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia. Thanh Chăn cũng đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 ở ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS), đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 90%.

Qua gần 3 năm triển khai thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, toàn xã đã đạt được 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đã có 17 công trình hạ tầng được hoàn thành, đang triển khai 10 công trình và đầu tư mới 17 công trình.

Người dân đã đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh như đường giao thông, trường học, trạm y tế.

Một số mô hình sản xuất được triển khai có hiệu quả như nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi vịt an toàn, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, sản xuất lúa giống, trồng cỏ chăn nuôi.

Mục tiêu được xã đề ra là phấn đấu đến hết năm 2011 đạt 13/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hoàn thành 19/19 tiêu chí vào năm 2013.

Biểu dương và đánh giá cao những kết quả xã Thanh Chăn đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận những kiến nghị về điều chỉnh bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng miền và sớm bố trí đủ nguồn lực thực hiện các công trình, dự án do ngân sách nhà nước đầu tư.

Phó Thủ tướng lưu ý xã Thanh Chăn cùng các cấp huyện, tỉnh tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gần dân, sát dân và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Không để xảy ra lãng phí, tham nhũng, thất thoát đối với các công trình được đầu tư xây dựng theo mô hình nông thôn mới, làm giảm lòng tin của bà con các dân tộc đối với chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, các cấp các ngành cần sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hiện đây vẫn  là địa bàn “nóng” về buôn bán và sử dụng ma túy, số người nghiện và tử vong liên quan đến ma túy, HIV/AIDS còn cao.

Lê Sơn

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Hà Nội quyết định dành 235 tỷ đồng đẩy mạnh khuyến công nông thôn

UBND TP. Hà Nội đã quyết định dành 235 tỷ đồng đầu tư cho hoạt động khuyến công địa phương giai đoạn 2011-2015, nhằm tạo bước đột phá mới cho công nghiệp nông thôn.

Diện mạo mới của công nghiệp nông thôn

Ông Hoàng Xuân Thuỷ – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, với 1.350 làng nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống và 272 làng nghề được công nhận trên địa bàn, từ năm 2005 – 2010, với tổng kinh phí được TP giao 34,31 tỷ đồng, các chương trình khuyến công địa phương đã góp phần quan trọng tăng giá trị sản xuất công nghiệp Thủ đô trên 16%, trong đó riêng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng 19,25%.

Nón làng Chuông – sản phẩm thủ công nổi tiếng của Hà Nội. – Ảnh: Trần Sơn

Hơn 4 vạn lao động nông thôn đã được tạo việc (chiếm trên 4% tổng số lao động tạo việc làm toàn TP), đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các huyện ngoại thành Hà Nội tăng trên 20%, góp phần giải bài toán đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nói riêng.

Các chương trình truyền nghề, nhân cấy và phát triển nghề giúp trên 100 làng xã từ chỗ thuần nông trở thành xã, làng có nghề, kinh tế hộ gia đình phát triển, thu nhập người dân ngày một tăng. Sản phẩm khu vực này cũng ngày càng đa dạng về mẫu mã, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm không ngừng tăng, nhiều cơ sở CNNT từ chỗ sản xuất manh mún trở thành doanh nghiệp lớn với trang thiết bị, nhà xưởng khang trang.

Bên cạnh đó, công tác khuyến công còn tạo liên kết chặt chẽ hơn cho các cơ sở sản xuất CNNT cùng ngành nghề, giúp giải quyết được bài toán cạnh tranh không lành mạnh. Cũng nhờ khuyến công, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ và cải thiện ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, CNNT phát triển đã góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở các huyện ngoại thành, 100% xã có điện sử dụng, 63% đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, 80% hộ nông dân sử dụng nước đảm bảo vệ sinh…

Tạo bước phát triển đột phá

UBND TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 2011-2015, thành phố đặt mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân chung của ngành công nghiệp toàn thành phố (khoảng 18,22%/năm); phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp nông thôn chiếm khoảng 20%-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD.

Với 235 tỷ đồng, giai đoạn này hoạt động khuyến công thành phố sẽ tập trung thực hiện những nội dung chủ yếu như đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, xây dựng mô hình trình diễn, liên doanh liên kết các doanh nghiệp…

Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đặt ra 7 chương trình khuyến công gồm chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề và đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động khuyến công.

Trong đó, hoạt động đào tạo nghề được coi là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khuyến công giai đoạn tới, Trung tâm khuyến công thành phố sẽ liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động học nghề. Chương trình đào tạo sẽ tập trung vào những nghề truyền thống, nghề có giá trị kinh tế cao và sử dụng nhiều lao động. Số lao động dự kiến được đào tạo nghề trong 5 năm tới là 25.000 lao động.

Trung tâm cũng sẽ thực hiện chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho 8.500 cán bộ quản lý, chủ các cơ sở sản xuất và 4.000 cán bộ, khuyến công viên các cấp trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất sẽ là mục tiêu chính của chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. 5 năm tới, Trung tâm khuyến công phấn đấu hoàn thành mục tiêu hỗ trợ cho 10 mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ cho 120 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đồng thời, để tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các làng nghề, hoạt động khuyến công thành phố sẽ tích cực hình thành những cụm liên kết công nghiệp và mô hình liên kết làng nghề với du lịch.

Công Trí

(Theo www.nguyensinhhung.com)