Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: thị trường ngoại hối đã chuyển biến tích cực

Báo cáo do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII ngày 21/7 cho biết, thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực. Tỷ giá có xu hướng giảm nhẹ và ổn định. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua bổ sung gần 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Báo cáo nêu rõ, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại hối Nhà nước được cải thiện rõ rệt. Thị trường vàng được quản lý theo định hướng của Nhà nước, tình trạng đầu cơ, nâng giá vàng gây bất ổn định thị trường đang được kiểm soát.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng, ngoại tệ ổn định chủ yếu nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ vừa mang tính hành chính lẫn kỹ thuật. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quyết liệt kiểm tra, xử phạt các điểm giao dịch ngoại tệ trái phép khiến giới đầu cơ USD không dám hoạt động công khai.

Bên cạnh đó, tín hiệu tín cực trên là do nguồn cung ngoại tệ cải thiện hơn và hiệu ứng tâm lý tích cực đối với việc kết hối của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước theo Thông tư 13/2011/TT-NHNN.

Theo quy định của Thông tư này, từ ngày 1/7/2011, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên là doanh nghiệp nhà nước và không phải là tổ chức tín dụng, phải thực hiện bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn bằng ngoại tệ tháng 6 đã giảm 3,62% so với tháng trước, người dân và doanh nghiệp bán USD cho ngân hàng ngày một nhiều do lãi suất tiền gửi ngoại tệ không hấp dẫn.

Tín dụng ngoại tệ tháng 6 vì thế cũng tăng trưởng cao hơn với mức tăng 2,43% so với tháng trước và tăng tới 23,47% so với cuối năm 2010.

Động thái đưa tiền ra mua ngoại tệ được đánh giá là góp phần cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay,…

Điều quan trọng là sau động thái mua vào ngoại tệ như trên, tỷ giá vẫn ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng sau giảm so với tháng trước, báo hiệu xu hướng tiếp tục tăng chậm lại trong các tháng tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, để làm tốt việc này, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột, Ngân hàng Nhà nước cần phải thực hiện đúng cam kết là sẽ bán ngoại tệ cho doanh nghiệp khi họ cần mua lại.

Nguyễn Đức

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo thu lệ phí CMND theo công nghệ mới

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Công an, Bộ Tài chính về việc thu lệ phí chứng minh thư nhân dân theo công nghệ mới. Đồng thời lưu ý hai Bộ cần quy định rõ việc miễn, giảm lệ phí đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ nghèo, chính sách,…

thủ tục làm chứng minh nhân dân
Hình minh họa

Trao đổi với Vụ Kinh tế tổng hợp-Văn phòng Chính phủ cho biết, thực hiện Quyết định số 446/QĐ-TTg ngày 11/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý chứng minh thư nhân dân theo công nghệ mới (trong đó cho phép Bộ Công an thu lệ phí để đầu tư trở lại cho đến khi hoàn thành dự án), Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai dự án và dự kiến thí điểm cấp chứng minh thư nhân dân theo công nghệ mới từ quý III/2011.

Tuy nhiên, theo Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg, ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, chấn chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật phí và lệ phí, trong đó có quy định miễn lệ phí cấp chứng minh nhân dân khi cấp mới.

Vì vậy, để có kinh phí tổ chức sản xuất, cấp, quản lý chứng minh nhân dân theo công nghệ mới, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thu lệ phí chứng minh nhân dân bằng công nghệ mới áp dụng đối với các trường hợp cấp mới, cấp đổi và cấp lại.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị về các đối tượng miễn, giảm thu lệ phí cấp chứng minh nhân dân bằng công nghệ mới.

Xét đề nghị của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý về nguyên tắc việc thu lệ phí chứng minh thư nhân dân theo công nghệ mới. Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể, trong đó cần có quy định rõ việc miễn, giảm lệ phí đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn, người thuộc hộ nghèo, chính sách…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc triển khai thực hiện cũng cần theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đức Nam

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:Nghiên cứu phụ cấp cho cán bộ chống tham nhũng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu bổ sung chế độ phụ cấp đối với người làm việc trong các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương.

Chống tham nhũng (Ảnh minh họa)

Chống tham nhũng (Ảnh minh họa)

Về chế độ phụ cấp cho cán bộ chống tham nhũng, được biết trong năm 2010, Bộ Nội vụ cũng đã dự thảo văn bản quy định về chế độ phụ cấp và trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân trong đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Theo Bộ Nội vụ, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài. Bởi vậy, một trong các giải pháp để thực hiện tốt công cuộc chống tham nhũng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng, trong đó có việc nghiên cứu chế độ, chính sách đãi ngộ cán bộ chuyên trách chống tham nhũng.

Quốc Hà

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo đầu tư phát triển rừng núi đá tỉnh Hà Giang

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008-2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong năm 2011, UBND tỉnh Hà Giang sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí 40 tỷ đồng, sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008-2015.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng thời, căn cứ vào quy định tại Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ số vốn đã bố trí cho Dự án theo nguồn vốn và theo hạng mục đầu tư được duyệt (giai đoạn 2008-2010); dự kiến kế hoạch hàng năm (giai đoạn 2012-2015) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ vốn cho tỉnh thực hiện dự án trên.

UBND tỉnh Hà Giang xây dựng phương án cụ thể về bổ sung hạng mục chuyển đổi chất đốt vào dự án; làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Được biết, Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá được phê duyệt từ năm 2008, sau 3 năm thực hiện dự án, độ che phủ rừng của toàn vùng từ 32,9% nâng lên 37%.

Cụ thể, Dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về thực hiện các chỉ tiêu lâm sinh: Bảo vệ rừng được trên 169.000 ha, đạt 73% diện tích theo dự án, đạt gần 100% so với kế hoạch giao; khoanh nuôi phục hồi rừng được trên 71.000 ha, bằng 165% diện tích theo dự án, đạt 100% kế hoạch giao; chăm sóc rừng được gần 7.800 ha, đạt 140% diện tích theo dự án, đạt gần 90% kế hoạch giao; trồng mới được trên 8.500 ha rừng, đạt 156% diện tích theo dự án, đạt 100% kế hoạch giao.

Diện tích rừng nâng cao đảm bảo được chức năng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi, duy trì nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Đồng thời, từng bước cải thiện môi trường sinh thái, điều kiện khí hậu, thay đổi môi trường sống có lợi cho cuộc sống con người. Tạo nên môi trường xanh tại 4 huyện vùng cao núi đá, góp phần phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu.

Dự án đã thu hút được trên 35.000 hộ tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho trên 50.000 lao động.

Đức Nam

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phê duyệt Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối

Ngày 30/5/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định 809/QĐ-TTG phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2011-2015 vvới 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, từ nay đến 2012 sẽ củng cố, kiện toàn bộ máy hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản (NLTS).

Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối

Cụ thể, sẽ sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ và củng cố, kiện toàn bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS theo hướng quản lý thống nhất từ trang trại đến bàn ăn, theo từng chuỗi ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý.

Thí điểm thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Quản lý chất lượng NLTS thực hiện dịch vụ công về tư vấn, kiểm nghiệm, chứng nhận quá trình và sản phẩm NLTS tại một số địa phương có điều kiện.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuyên ngành.

Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện từ năm 2012-2014 với các nội dung như xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS và muối chuyên ngành; củng cố và phát triển lực lượng thực hiện công tác kiểm soát từ cơ sở sản xuất đến tiêu dùng và xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; trước mắt phát triển nhanh các dịch vụ tư vấn, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS và muối.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống kiểm soát theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Cụ thể,  trong giai đoạn 2012-2015 sẽ xây dựng mới 1-2 phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS tương đương khu vực và tham gia hệ thống phòng kiểm nghiệm kiểm chứng ASEAN; nâng cấp các phòng kiểm nghiệm chuyên ngành thuộc các Tổng cục, Cục đủ năng lực để phân tích 100% chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS và muối, đạt tiêu chuẩn TCVN/ISO 17025…

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án khoảng 1.500 tỷ đồng.

Hiện nay chất lượng NLTS vẫn còn nhiều hạn chế. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy Sản (Bộ NNPTNT) cho biết, theo kiểm tra thí điểm đối với việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm NLTS, tại Thanh Hóa, kiểm tra 9 nhóm sản phẩm tại 252 cơ sở thì có 73 cơ sở không đạt tiêu chuẩn, chiếm 29%; ở Tiền Giang là 335/1007 cơ sở không đạt tiêu chuẩn, chiếm 33%. Bộ NNPTNT cho biết hiện vẫn còn 13 tỉnh, thành phố chưa thành lập Chi cục Quản lý chất lượng NLTS

Tuấn Khang

(Theo www.nguyensinhhung.com)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Dừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa có công văn chỉ đạo tạm dừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2011. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan liên quan, các địa phương và nhân dân hiểu rõ chủ trương trên, đồng thời chỉ đạo các địa phương thường xuyên tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch tổng hợp khác, giám sát chặt chẽ, phát hiện xử lý kịp thời các ổ dịch để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tạm dừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2011 – Ảnh minh họa

Trao đổi với Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) được biết, bệnh cúm gia cầm độc lực cao do vi rút cúm H5N1 gây ra ở Việt Nam từ cuối năm 2003 và vẫn tiếp tục xảy ra ở Việt nam cho đến nay. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, từ tháng 8/2005, Việt Nam bắt đầu áp dụng chiến lượng tiêm phòng vắc xin để khống chế dịch và đã đạt được những kết quả nhất định.

Từ năm 2008 đến nay, các ca bệnh cúm A/H5N1 trên người đã giảm đáng kể và cũng không phát sinh các đợt dịch cúm lớn trên gia cầm. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát sau tiêm phòng, từ năm 2010 Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhánh vi rút H5N1 mới. Vắc xin H5N1 không còn hiệu quả với một số chủng vi rút thuộc nhánh mới này.

Trước tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2011. Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thí nghiệm kiểm chứng vắc xin và tìm chủng loại vắc xin mới có hiệu quả hơn đối với nhánh vi rút mới lưu hành, đồng thời tổ chức chương trình giám sát dịch chủ động đối với lưu hành của các nhánh vi rút, đặc biệt là nhánh vi rút mới.

Xem xét đề nghị này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý cho phép tạm dừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2011.

Quốc Hà

(Theo www.nguyensinhhung.com)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh hùng chỉ đạo xuất cấp, không thu tiền thuốc sát trùng hỗ trợ tỉnh Quảng Trị

Hôm nay (26/5), Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định 800/QĐ-TTG chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 10.000 lít  hóa chất khử trùng Benkocid thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Quảng Trị phòng, chống dịch bệnh tai xanh.

Tiêm phòng cho lợn. Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu việc cấp, quản lý, sử dụng số thuốc sát trùng nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Được biết, tính đến ngày 28/4/2011 toàn tỉnh Quảng Trị có 4 huyện có lợn mắc bệnh tai xanh, với tổng số 1.830 con.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tai xanh, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, khống chế dịch bệnh lây lan.

Theo tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 25/5/2011, cả nước có 4 tỉnh là Nghệ An, Thái Bình, Bắc Ninh và Hải Dương có ổ dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày.

Hoàng Diên

(Theo www.nguyensinhhung.com)