Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dự lễ truy điệu Phó Chủ tịch QH Vũ Đình Cự

Đúng 6 giờ 30 phút sáng 12/9, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ tang ông Vũ Đình Cự, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước.Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng do ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu; đoàn Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu; đoàn đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu; đoàn đại biểu Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu; đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim dẫn đầu đã đến viếng ông Vũ Đình Cự và chia buồn cùng gia quyến.

Đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu viếng ông Vũ Đình Cự

Đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu viếng ông Vũ Đình Cự. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đến viếng, tưởng nhớ nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt và các vị lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa đến viếng nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự.

Trong niềm tiếc thương sâu sắc nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xúc động ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Vũ Đình Cự, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của dân tộc, nhà khoa học tài năng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thành công.”

Nghiêng mình trước anh linh nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự, ông Lê Hồng Anh ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Vũ Đình Cự, nhà lãnh đạo, nhà khoa học xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo của nước nhà.”

Đến viếng nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Somphone Sichaleune trân trọng ghi sổ tang: “Sự ra đi của đồng chí là một tổn thất rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam anh em; mất đi một người bạn, người đồng chí thân thiết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Lào. Đồng chí đã từng gắn bó và giúp đỡ Cách mạng Lào, góp phần to lớn vào việc tăng cường và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào-Việt Nam.”

Hơn 100 đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang ở Trung ương, nhiều địa phương trong cả nước; một số đại sứ quán và các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đã đến viếng, gửi vòng hoa viếng giáo sư, tiến sỹ khoa học Vũ Đình Cự.

Đúng 10 giờ sáng cùng ngày, lễ truy điệu nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự đã được cử hành trọng thể.

Dự lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng gia đình, bạn bè của nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự.

Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban lễ tang đã xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự.

Trưởng thành từ một cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội, ông Vũ Đình Cự đã tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, lần lượt bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ, tiến sỹ, được phong hàm giáo sư và làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử-viễn thông của Nhà nước và được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X…

Trải qua hơn 50 năm hoạt động liên tục, không mệt mỏi, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm giao nhiều cương vị, trọng trách trong Đảng, Nhà nước và trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong suốt cuộc đời cống hiến và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự luôn nêu cao tinh thần tận tụy, trung thành với cách mạng, Tổ quốc và nhân dân. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng luôn tích cực hoạt động và luôn thể hiện là một chiến sỹ cách mạng kiên trung, một nhà trí thức kiên định tư tưởng đi theo con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phấn đấu theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chi Minh vĩ đại.

Đối với hoạt động của Quốc hội, ông đã có nhiều gắn bó, cống hiến, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân. Với trọng trách là Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông đã tích cực tham gia thể chế hóa đường lối của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách và pháp luật về khoa học, công nghệ và môi trường.

Chủ tịch Quốc hội xúc động nhấn mạnh nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự của chúng ta không còn nữa, nhưng lòng yêu nước, sự trung thành, tận tụy quên mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và những hoạt động của đồng chí vẫn luôn là những hình ảnh tốt đẹp, sống mãi trong lòng chúng ta.

Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ông Vũ Đình Cự đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp khoa học, công nghệ… và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Sau lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội, lễ an táng nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự sẽ được tổ chức vào 10 giờ 45 phút ngày 13/9 tại quê nhà, Nghĩa trang Đồng Bốn, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình./.

Quang Vũ (TTXVN)

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Việt Nam-Trung Quốc nhất trí tăng đàm phán vấn đề trên biển

Ngày 6/9, Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Ủy ban phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc cùng chủ trì phiên họp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại cuộc họp

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại cuộc họp

Trong không khí chân thành, thẳng thắn, hữu nghị, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu sắc và đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc phát triển toàn diện hơn nữa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Trong thời gian diễn ra phiên họp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lần lượt tiếp và nói chuyện thân mật với Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc. Ông Đới Bỉnh Quốc đã chuyển tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông điệp miệng của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.

Nhân dịp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc được thành lập tròn 5 năm, hai bên đã đánh giá tích cực sự vận hành tốt đẹp của Ủy ban trong 5 năm qua, cho rằng Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung đã phát huy vai trò quan trọng trong việc điều phối và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn, phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.

Hai bên cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp và thay đổi sâu sắc như hiện nay, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định đáp ứng lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Cùng nhấn mạnh sẽ duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao, phát huy đầy đủ vai trò của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam, quy hoạch tổng thể hợp tác trên các lĩnh vực, đi sâu chia sẻ kinh nghiệm về điều hành đất nước, đại dện hai bên cũng nhất trí tiếp tục tổ chức tốt Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các ngành vận hành có hiệu quả, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực: kinh tế thương mại, quân sự, thực thi pháp luật, an ninh, khoa học, giáo dục, y tế…, mở rộng giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đảm bảo quan hệ Việt-Trung luôn luôn phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh, ổn định.

Hai bên cho rằng, giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển hết sức quan trọng trong việc duy trì đại cục quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định sẽ căn cứ theo những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), kiên trì thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển, áp dụng những biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì và bảo vệ hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Cũng trong các cuộc tiếp xúc, hai bên nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Hai bên nhất trí tăng cường việc đàm phán vấn đề trên biển, sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc.”

Hai bên sẽ thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.

Theo TTXVN

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Huế cần phát huy lợi thế để phát triển bền vững

Ngày 2/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 của tỉnh và thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thu nhập bình quân đầu người cao so với bình quân cả nước và công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả.

Khái quát một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh tập trung rà soát lại quy hoạch để triển khai có hiệu quả Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, đó là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.”

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho sản xuất nông nghiêp, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định giá cả thị trường…Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

Thủ tướng gợi ý, Thừa Thiên Huế cần phát huy lợi thế về du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học để phát triển bền vững. Thủ tướng chỉ đạo Thừa Thiên Huế xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông, đồng thời quan tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến liên quan đến các kiến nghị của Thừa Thiên Huế về bố trí vốn 4 dự án đang thi công dở dang (hồ Tả Trạch, cầu Bạch Hổ, hồ Thủy Yên-Thủy Cam, đường La Sơn-Nam Đông), cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư phát triển đô thị Huế và di tích Cố đô Huế theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị, hỗ trợ trường đại học Huế phát triển đại học quốc tế…Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cùng với Thừa Thiên Huế triển khai có hiệu quả Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Cao cho biết, ngay từ đầu năm 2011, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo rất quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhất là chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thu được nhiều kết quả tích cực.

Tám tháng đầu năm 2011, kinh tế của tỉnh tiếp tục được tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn tăng 22,2% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng 19.8%, xuất khẩu tăng 53,8% giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,45%, khách du lịch quốc tế đế Huế tăng 6,2% …Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Thừa Thiên Huế đã cắt, giãn tiến độ 40 công trình với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Cao, trên cơ sở kết quả 8 tháng đầu năm 2011, phân tích khả năng thực hiện các tháng cuối năm 2011, ước năm 2011 tỉnh có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD, giá trị xuất khẩu đạt 330 triệu USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9,16%, tạo việc làm mới cho 16.500 người, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 44%…

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây, thành phố Huế). Khu Chín Hầm do thực dân Pháp xây dựng năm 1941 để cất giấu vũ khí. Năm 1954, Ngô Đình Cẩn đã cho cải tạo thành hầm ngục giam giữ, tra tấn các chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước. Đây là một kiểu nhà tù đặc biệt, điển hình của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm ở miền Trung.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới kiểm tra Dự án cầu đường bộ Bạch Hổ bắc qua sông Hương thuộc thành phố Huế.

Thiện Thuật

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ

Với số phiếu nhất trí rất cao (94%), chiều nay (26/7), Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ

Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ

Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII cũng đã tái đắc cử Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với số phiếu tán thành 95,2%.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII cũng được Quốc hội bầu tiếp tục giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với số phiếu tán thành 96,2%.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, được Quốc hội bầu giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với số phiếu tán thành 93,8%.

PV

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ông Nguyễn Tấn Dũng được giới thiệu làm thủ tướng

Chiều 25/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày Tờ trình giới thiệu bà Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIII để Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIII để Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIII được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIII được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đại biểu Quốc hội khóa XIII để Quốc hội được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Theo chương trình, chiều 26/7, Quốc hội sẽ bầu các chức danh Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

PV

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Chiều nay, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, đề cử ứng viên Thủ tướng

Hôm nay, 25-7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII bước sang tuần làm việc thứ hai với trọng tâm là công tác nhân sự cấp cao. Ngay sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch nước sẽ đề cử ứng viên cho chức danh Thủ tướng, Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KSND tối cao. Kết quả bầu sẽ được công bố một ngày sau đó.

Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng

Theo chương trình nghị sự, chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận và thông qua danh sách và tiến hành bầu Chủ tịch nước.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, tân Chủ tịch nước phát biểu nhậm chức. Tân Chủ tịch nước sẽ trình bày Tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thủ tướng đương nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng (62 tuổi). Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, ông Dũng tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị thành phố Hải Phòng.

Phó Chủ tịch nước đương nhiệm là bà Nguyễn Thị Doan; Chánh án TAND tối cao là ông Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao là ông Trần Quốc Vượng.

Trước đó, tại phiên họp chiều 23-7, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Theo đó, ông Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa XIII, được giới thiệu đề cử chức danh Chủ tịch nước.

PV

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII

Với 457 số phiếu tán thành (chiếm 91,4%), Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.

Đầu phiên họp chiều nay (23/7), Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đọc báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

nguyen-sinh-hung

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIII – Ảnh: Chinhphu.vn

Tuyệt đại đa số đại biểu nhất trí thông qua Tờ trình danh sách đề cử Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Đồng thời, Quốc hội cũng đã tán thành đưa đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) được bầu bổ sung vào danh sách Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ chức Trưởng ban Dân nguyện. Như vậy, danh sách đề cử đã tăng từ 18 lên 19 người.

Các ông bà: Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn được Quốc hội bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

uy-vien-thuong-vu-quoc-hoi

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ra mắt

12 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn lại bao gồm các ông bà Phan Xuân Dũng, Ksor Phước, Nguyễn Hạnh Phúc, Đào Trọng Thi, Nguyễn Văn Giàu, Trần Văn Hằng, Phùng Quốc Hiển, Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Kim Khoa, Phan Trung Lý, Trương Thị Mai, Nguyễn Thị Nương.

Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm 17 thành viên, hai ứng cử viên còn lại nhận số phiếu dưới bán.

Trong lời phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chân thành cảm ơn đại biểu Quốc hội về sự tín nhiệm dành cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, bày tỏ đây là vinh dự và trọng trách mà Quốc hội, nhân dân giao phó.

nguyen-sinh-hung

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đạt được từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, các thành viên Ủy ban Thường vụ khóa mới sẽ nỗ lực phấn đấu cùng các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định, xứng đáng với vị trí cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đại diện cho quyền và lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn Quốc hội khóa mới tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước trong công cuộc xây dựng và phát triển nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong lời tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết lại quá trình hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

nguyen-sinh-hung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng hoa, chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới một nhiệm kỳ thành công, thắng lợi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình đề cử ông Trương Tấn Sang giữ chức Chủ tịch nước.

Nguyên Linh

Ảnh: Nhật Bắc

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao QĐND Việt Nam

Sáng 3/7, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm cấp tướng cho cán bộ cấp cao trong QĐND Việt Nam.

Tới dự có: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cho Trung tướng Nguyễn Thành Cung.

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cho Trung tướng Nguyễn Thành Cung.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lương Cường, Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Đào Duy Minh, Chính uỷ Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược, Phó Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 3; Thiếu tướng Đinh Văn Cai, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Phó Chính uỷ Quân khu 1 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 1; Đại tá Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 5 và được thăng quân hàm cấp thiếu tướng; Đại tá Đỗ Căn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chính uỷ Quân khu 3 và được thăng quân hàm thiếu tướng.

Thay mặt Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, chúc mừng các đồng chí được Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao cho cương vị, trọng trách mới. Đại tướng mong rằng, trên cương vị chủ chốt của đơn vị, các đồng chí được bổ nhiệm và thăng quân hàm cấp tướng lần này luôn phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng mối đoàn kết thống nhất, luôn luôn giữ vững ngọn cờ đoàn kết của Đảng trong quân đội; chăm lo xây dựng tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

PV

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet

Chiều 27/6, tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng tiếp tục đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

Nguyen Tan Dung, Thu Tuong, Thuy Sy, Viet Nam, Jean Hubert Lebet

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Thụy Sỹ đang phát triển tích cực, tạo điều kiện cho hai nước phát triển nhiều lĩnh vực.

Đánh giá cao nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của Đại sứ Jean Hubert Lebet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những đóng góp của Đại sứ đã góp phần tích cực đưa quan hệ chính trị, ngoại giao, giáo dục – đào tạo Việt Nam – Thụy Sỹ ngày càng gắn bó, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hiện, Thụy Sỹ là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu.

Thủ tướng mong muốn, với những hiểu biết và tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh Đại sứ mới của Thụy Sỹ và khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại sứ mới có nhiệm kỳ công tác thành công tốt đẹp.

Đại sứ Jean Hubert Lebet cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với cá nhân Đại sứ trong thời gian công tác tại Việt Nam.

Đại sứ Jean Hubert Lebet khẳng định, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và cho biết, trong năm nay, hai bên sẽ phối hợp tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Thu Cúc

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)